Hội Nông dân: Bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu
Cập nhật ngày: 15/04/2017 10:34:31
ĐTO - Thời gian gần đây, các cấp Hội Nông dân (ND) trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình về tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu được người dân, nhất là hội viên ND đồng tình ủng hộ.
Nông dân xã Mỹ An, huyện Tháp Mười chuyển đổi xen canh 2 vụ lúa - 1 vụ màu và áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất nông nghiệp
Năm 2014, Hội ND tỉnh đã xây dựng mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật ở xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười) và xã An Hòa (huyện Tam Nông).
Từ những kết quả mà mô hình thu mang lại, trong năm 2015 - 2016, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa, rau, màu ở địa bàn xã Bình Tấn, xã Tân Bình (huyện Thanh Bình), xã Phú Đức (huyện Tam Nông), xã Mỹ An Hưng A (huyện Lấp Vò), xã Tân Công Chí (huyện Tân Hồng). Tính từ năm 2014 đến nay, thông qua các mô hình đã xây dựng được 286 hố chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giữ gìn môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.
Bên cạnh đó, Hội ND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn Hội cơ sở xây dựng các mô hình điển hình của nông dân tham gia bảo vệ môi trường với hàng trăm mô hình điển hình như: huyện Châu Thành thực hiện mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật ở 3 xã: An Nhơn, An Hiệp, Tân Phú và mô hình thu gom rác thải sinh hoạt tại 11/12 xã trên địa bàn huyện; Câu lạc bộ “Nông dân ra đồng bảo vệ môi trường” của Hội Nông dân các xã, phường TP.Sa Đéc; tổ vệ sinh môi trường cụm dân cư của xã Thạnh Lợi (huyện Tháp Mười)... thu hút hàng ngàn hội viên, ND tham gia. Qua đó, tác động tích cực đến ý thức của hội viên trong giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông nghiệp và nông thôn.
Để phòng, tránh và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp, Hội ND các cấp trong tỉnh đã tích cực vận động hội viên, ND thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo được nhiều mô hình đạt hiệu quả như: Trồng lúa – nuôi tôm, chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa - 1 vụ màu; chuyển dần những diện tích sản xuất lúa nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; thực hiện mô hình “Ruộng lúa bờ hoa”, phối hợp vận động hội viên ND tham gia mô hình “Cánh đồng lớn”. Đặc biệt, khi tham gia mô hình “Cánh đồng lớn” đã giúp hội viên ND thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất cũ không còn phù hợp dần được thay bằng việc áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Mô hình “Cánh đồng lớn” giúp việc liên kết sản xuất được nhiều khâu hơn, ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn đã từng bước tác động đến hội viên ND nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung. Từ đó, người dân tận dụng phụ phẩm rơm rạ để sản xuất nấm rơm tăng thêm thu nhập, hạn chế đốt rơm gây ô nhiễm và gây hiệu ứng nhà kính. Đồng thời, các cấp Hội ND còn phối hợp ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo hướng dẫn hội viên ND áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác trên đồng ruộng. Trong đó, ứng dụng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” tiến đến “1 phải, 6 giảm”, vừa giảm giá thành, tăng hiệu quả sản xuất vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
DŨNG CHINH