Những loài cá kỳ dị dưới lòng đại dương

Cập nhật ngày: 09/08/2016 14:09:19

Cá dơi môi đỏ, lươn sói hay cá đầu cừu, là ba trong số nhiều loài cá có thân hình kỳ dị sinh sống dưới lòng đại dương.

 Cá dơi môi đỏ. Ảnh: Wikipedia

Cá dơi môi đỏ (Ogcocephalus darwini) là sinh vật đặc hữu của quần đảo Galapagos thuộc Ecuador trên vùng biển Thái Bình Dương, theo Encyclopedia of Life. Đôi môi "gợi cảm" như được tô son của loài cá này được tận dụng thu hút bạn tình hoặc con mồi.

Cá dơi môi đỏ có thể đạt tới chiều dài 25 cm, cấu tạo các vây ngực và vây lưng trông giống các chi khiến chúng có kiểu bơi khá kỳ cục nhưng lại là phương tiện đắc lực để loài cá này đi dưới đáy biển. 

 
Cá chimaera mũi dài. Ảnh: Scott Tanner

Con cá kỳ lạ có cái mũi dài gần bằng cơ thể, mắt lồi xanh dạ quang và cặp vây nhiều rãnh như đôi cánh mắc lưới ngư dân Scott Tanner ngoài khơi Nova Scotia miền đông Canada hồi tháng 3/2016. Đây là cá thể thuộc loài cá Chimaera, tên khoa học là Harriotta raleighana, sinh sống ở vùng biển sâu. H. raleighana có họ hàng với cá mập, cá đuối và cá đuối gai độc. Chúng thường bò sát đáy biển, tìm con mồi nhờ cảm ứng tích điện trên mũi.

Cá mũi dài đẩy cơ thể trong nước bằng cách đập vây như vỗ cánh. Chúng hiếm khi được nhìn thấy do sống ở tầng rất sâu của đại dương, khoảng 380-2.600 m dưới đáy biển. Tuy nhiên, hiện nay tần suất bắt gặp các sinh vật này ngày càng nhiều. 

 Cá đầu cừu California. Ảnh: Khu bảo tồn biển Quần đảo Channel, Mỹ

Cá đầu cừu (Semicossyphus pulcher) cư trú trong các bãi đá ngầm và rừng tảo bẹ ven biển từ quần đảo Channel tới vịnh Monterry, Mỹ. Điều thú vị là tất cả cá thể cá đầu cừu lúc sinh ra đều là con cái. Sau một thời gian, chúng mới biến đổi thành con đực.

 ​Cá lưỡi chích mũi dài. Ảnh: NOAA

Nói đến vẻ ngoài kỳ dị không thể không kể đến cá lưỡi chích mũi dài (Alepisaurus ferox). Đây là sát thủ nổi tiếng với những chiếc răng nanh lớn, vây lưng to nhọn xếp thành hình như cánh buồm.

Cá lưỡi chích mũi dài hiếm khi được nhìn thấy ở ven biển, những hiểu biết về vòng đời của chúng vẫn còn hạn chế. Các nhà khoa học cho hay, vào thời kỳ chuyển tiếp trước khi trưởng thành, cá lưỡi chích mũi dài có cả bộ phận sinh dục đực và cái nhưng không rõ chúng có duy trì sự lưỡng tính này khi bước vào tuổi trưởng thành hay không.

Cá lưỡi chích mũi dài có thể đạt tới chiều dài 2 m, là loài cá ăn thịt chuyên săn mồi ban đêm. Cá lưỡi chích mũi dài ăn thịt đồng loại, tôm cua, mực và các loài cá nhỏ hơn.

 Cá sư tử. Ảnh: Walter Hackerott

Cá sư tử hay cá mao tiên thông thường có chiều dài 30-38 cm, thân đầy gai độc. Chúng phân bố ở vùng biển nhiệt đới nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, sinh sản nhanh và không bị động vật săn mồi nào tấn công. Loài cá này có thể đẻ khoảng 30.000 - 40.000 trứng trong một ngày, con cái đạt độ tuổi sinh sản khi một tuổi.

Cách khống chế số lượng cá sư tử hiệu quả nhất, theo các nhà khoa học, chính là hoạt động đánh bắt của con người.

 Cá vẹt. Ảnh: NOAA

Sở hữu phần miệng giống mỏ chim, loài cá sặc sỡ này được đặt tên là cá vẹt. Cá vẹt dùng bộ răng chắc khỏe để nghiền nát san hô, ăn tảo bên trong. Hầu hết cát trong vùng cá vẹt phân bố là phần san hô không tiêu hóa được mà chúng thải ra ngoài.

Giới tính, màu sắc và các họa tiết trên cơ thể cá vẹt thay đổi nhiều lần trong vòng đời của chúng. Điểm đặc biệt khác ở cá vẹt là tập tính tự bảo vệ mỗi đêm. Khi ngủ, loài cá này sẽ tự bao bọc cơ thể trong một cái kén làm từ lớp chất nhầy được tiết ra từ một bộ phận trên đầu. Các nhà khoa học cho rằng, lớp kén trong suốt có tác dụng che giấu mùi của cá vẹt, bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi ban đêm.

 ​Cá Mặt trời đại dương. Ảnh: Khu bảo tồn biển quốc gia vịnh Farallones, Mỹ

Cá Mặt trời đại dương khổng lồ hay còn gọi là mola mola, thường bơi chậm chạp trong nước. Chúng có tập tính nổi lên mặt nước để nhận nhiệt từ ánh sáng Mặt trời nên được gọi là cá Mặt trời. Loài cá có hình thù kỳ lạ này thỉnh thoảng bị gọi nhầm là cá mập do chiếc vây lưng to lớn.

Cá Mặt trời có thân hình trái xoan hoặc gần tròn. Con đực trưởng thành có thể đạt tới chiều dài trung bình 3,5 m, nặng 1,7 tấn và chiều dài sải vây 4,5 m. Tuy cơ thể to, cá Mặt trời lại có phần miệng rất nhỏ. Chúng thường ăn sứa, giáp xác nhỏ và sinh vật phù du. 

 ​Cá nạng hải. Ảnh: NOAA

Cá nạng hải gồm cá nạng hải rạn san hô (Manta Alfredi) và cá nạng hải khổng lồ (Manta birostris). Lòai lớn nhất là cá nạng hải khổng lồ. Độ dài sải vây của chúng có thể lên tới 9 m.

Loài cá này phân bố ở vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới ở Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Thực đơn của cá nạng hải là sinh vật phù du. Hiện cả hai loài cá nạng hải đều được liệt vào nhóm bị đe dọa trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

 Cá đuối điện. Ảnh: Daniel Gotshall

Cá đuối điện đặc trưng với thân hình dẹp màu xám và các chấm đen. Cá đuối điện thường tóm lấy con mồi bằng cú sốc điện.

Cá chình Moray. Ảnh: Wikipedia

Cá chình moray hay lươn biển gồm khoảng 200 loài thuộc họ Muraenidae sinh sống chủ yếu tại các vùng biển, một số loài phân bố ở vùng nước ngọt hoặc nước lợ. Sinh vật này nổi tiếng với bộ răng khỏe, sắc nhọn giống thủy tinh với chiều dài lên tới vài cm.

Ngoài bộ răng này, chúng còn có hàm răng thứ hai. Do phần đầu khá hẹp, cá chình moray không thể nuốt con mồi lớn, khi đó hàm răng thứ hai sẽ dịch chuyển lên miệng, tóm lấy thức ăn và đưa xuống dạ dày. Con mồi của cá chình moray là cá, giáp xác và động vật thân mềm.

 Cá bướm bốn mắt. Ảnh: Chris Huss/Công viên bảo tồn hải dương quốc gia quần đảo san hô Florida Keys, Mỹ

Thuộc họ cá bướm Chaetodon capistratus, cá bướm bốn mắt là một trong hàng trăm loài cá cư trú trong rạn san hô ở quần đảo Florida Keys, Mỹ. Cá bướm kết đôi suốt vòng đời, do đó thường được quan sát dưới dạng một cặp bơi cạnh nhau.

Nếu hai con cá bướm ở tư thế đấu miệng với nhau, chúng sẽ tạo thành đôi cánh bướm, đó là nguyên nhân cho cái tên của loài cá này.

 Cá nóc hòm. Ảnh: Frank và Joyce Burek

Cá nóc hòm (lactophrys triqueter) thường chỉ có hai màu trắng và đen, song tiến sĩ Christy Pattengill-Semmens, giám đốc Trung tâm Bảo tồn Biển ở Sandiego, Mỹ, đã ghi lại hình ảnh một cá thể có màu vàng khác thường và đặt tên là cá nóc hòm trăng vàng.

Sau khi lấy mẫu nghiên cứu, các nhà khoa học xác định đây không phải loài mới và chỉ được báo cáo duy nhất tại Khu bảo tồn Flower Garden and Stetons Banks, Mỹ.

Lươn sói. Ảnh: Montereybayaquarium.org

Lươn sói thực chất là một loài cá thuộc họ Anarhichadidae. Điểm đặc trưng phân biệt chúng với lươn chính là vây ngực đằng sau đầu. 

Những cá thể lươn sói non khá nổi bật trong nước với cơ thể màu vàng và tím sáng ấn tượng. Khi chúng lớn lên, các màu sắc này phai đi, nhường chỗ cho màu nâu và xám. Con trưởng thành thường có các chấm đen trên đầu và cơ thể khác biệt ở từng cá thể. 

Lươn sói khá phàm ăn. Thức ăn của chúng là cua, nhím biển, sên, bào ngư, trai và cá. Nhờ được trang bị bộ hàm chắc, chúng có thể nghiền được những thức ăn cứng.

Theo Thu Hiền/VnExpress

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn