Những trang viết còn lại của một cuộc đời Lính bay

Cập nhật ngày: 20/06/2016 10:38:30

Lính Bay là tựa đề cuốn sách của trung tướng Phạm Phú Thái, anh hùng lực lượng vũ trang, một trong những phi công được xưng tụng là "Át chủ bài" của lực lượng Không quân Việt Nam trong chiến tranh.


Binh nhất Phạm Phú Thái ngày ấy

Nhật ký về một thế hệ Không quân

Gọi cuốn sách của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Phú Thái giống như những trang viết còn lại bởi đó là những dòng hồi ký thật chân thực và xúc động về cuộc đời của một người lính không quân. Ông lựa chọn cách đặt tên cuốn sách là Lính bay, ngắn gọn và súc tích như chính lối sống và tính cách giản đơn của một người lính.

Đọc những dòng hồi ký đầu tiên của ông, một người lính từng vào sinh ra tử, với hàng nghìn lần đối diện với cái chết như ngàn cân treo sợi tóc, trái với vẻ hào sảng, lãng tử của một viên phi công tiêm kích là những cảm xúc đầy ám ảnh: “Những ngày đồng đội liên tiếp hi sinh, bước vào buồng lái cũng thấy kinh, cũng sợ chết lắm chứ đâu phải lúc nào cũng hào hùng. Nào có như bộ binh, còn được vuốt mắt đồng đội. Trên trời mà bị bắn trúng không nhảy dù được là chẳng còn gì cả, nổ như pháo hoa!”.

Cũng ở những dòng tựa đề, ông viết: “Thế hệ chúng tôi đã trải qua một thời kỳ chiến tranh đầy cam go, ác liệt cùng với không ít gian khổ và hy sinh. Tôi và một số đồng đội còn sống và đã qua được bom đạn chiến tranh là một sự hiếm hoi trong khi nhiều bạn bè khác đã ngã xuống, mãi mãi không trở về”.

Trung tướng Phạm Phú Thái luôn nhận mình không phải là nhà văn. Ông bị thôi thúc viết cuốn sách này chỉ với một mục đích là tri ân với những người ông mắc nợ bấy lâu nay, là bạn bè, đồng đội, quê hương, gia đình. “Chỉ mong sao con cháu tôi và thế hệ con em chúng ta chiêm nghiệm được điều gì đó cho riêng cho mình về cuộc sống cũng như ý thức chính trị với non sông”.

Trở về với những hồi ức tuổi 15, ông viết: “Ngày 5/7/1965, tôi chính thức được công nhận tham gia cách mạng, ngày nhâp ngày từ biệt tuổi thơ, gia đình, quê hương để lên đường đánh Mỹ theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Tôi mới được 15 năm 6 tháng 5 ngày tuổi, chưa kịp bỏ khăn quàng đỏ, chưa kịp kết nạp Đoàn, chưa kịp có bạn gái hay người thường nào, chưa kịp chào từ biệt thầy cô giáo, quá nhiều thứ chưa kịp! Tôi bước sang trang mới của cuộc đời”.

Vĩ nhân xuất hiện đầu tiên trong dòng ký ức của trung tướng Phạm Phú Thái chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Năm 1999, tôi thay mặt quân chủng Không quân chịu trách nhiệm tổ chức chuyến bay đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới dự lễ kỷ niệm chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Hôm đó tôi thấy chiếc xe con chở ông lầm lũi qua cổng gác ra sân đỗ máy bay ở sân bay Bạch Mai mà lòng đượm buồn. Bao nhiêu kỷ niệm lần được trực tiếp nghe Đại tướng - một nhân tài quân sự hiếm có của dân tộc Việt Nam chỉ đạo, giảng dạy cho cán bộ, chỉ huy quân chủng bằng những kiến thức uyên bác, thông tuệ ùa về. Tôi về phòng làm việc của mình, xem lại những đoạn tốc ký mà tôi đã ghi trong buổi Đại tướng nói chuyện đầu tháng 6 năm 1972, tại sở chỉ huy quân chủng, nằm trong khu vực chùa Trầm nhân dịp Quân chủng tổ chức rút kinh nghiệm tác chiến trong hơn một tháng Mỹ mở chiến dịch “chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng Không quân” lần thứ 2. Sau đó tôi viết thành một bài viết hoàn chỉnh, được cán bộ các cấp trong Quân chủng đọc đánh giá cao và động viên tôi nên viết hồi ký.

Thế là tôi bắt tay vào viết từ sự thôi thúc nội tâm mãnh liệt. Tôi luôn cảm thấy như mắc nợ cuộc đời, mắc nợ quê hương, mắc nợ những người bạn từng chiến đấu với tôi và những người bạn đã hy sinh. Tôi gom góp những ký ức đơn lẻ, những ghi chép tốc ký với những con chữ rất khó nhìn do ngày xưa eo hẹp thời gian, toàn phải tranh thủ ghi lại giữa các trận xuất kích. Khi tôi viết được khoảng vài trăm trang, anh Hà Quang Hưng - phi công cùng đoàn bay khóa 3 với tôi, người đã cùng tôi trong nhóm bốn người về nước sớm năm 1968 giục tôi “Ông phải viết nhanh lên chứ! Cố gắng xuất bản tập 1 trước đi, kẻo đợi ông viết chậm như rùa thế thì nhiều anh em chúng tôi không kịp đọc đâu!”. Tôi giật mình. Chúng tôi đều ngấp nghé trong ngoài tuổi 70 rồi. Có lẽ phải nhanh lên thật. quỹ thời gian của đồng đội tôi không còn nhiều nữa.

Tập 2 cuốn Lính bay sẽ được hoàn thành vào cuối năm sau, trong đó tôi sẽ kể chủ yếu những sự kiện xảy ra khoảng thời gian từ năm 1969 đến hòa bình năm 1975 tới lúc tôi nghỉ hưu năm 2010 trong vai trò chánh thanh tra Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tập 2 cuốn Lính bay có thể sẽ làm khó cho cả tôi và nhà xuất bản vì những điều có thể chưa tiện công bố. Nhưng tôi sẽ cố”, trung tướng Phạm Phú Thái chia sẻ.

Cuốn sách Lính bay dày 512 trang, thực sự là bức tranh chân thực, xúc động và hào hùng về một thế hệ những người lính không quân Việt Nam, kiên cường, anh dũng, hào hoa mà giản dị.

Có lẽ, sự dồn nén của cảm xúc, của cung bậc ký ức của những năm tháng đẹp nhất cuộc đời đã giúp trung tướng Phạm Phú Thái chuyển tải thật đầy đủ và sinh động cuộc sống của những người lính không quân trẻ, trong đó có ông ở cái tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”.

Câu chuyện về cái ngày đầu tiên xông trận cách đây gần 50 năm được ông tái hiện như một lát cắt đầy tươi mới, như thể những dấu mốc, sự kiện ấy luôn hiển hiện mồn một trước mắt người lính già ấy. Là khoảnh khắc trong cuộc chiến đấu đầu tiên, cũng là giây phút đầu tiên ông đối diện với cái chết trong tích tắc, khi trên đầu là bom lửa của kẻ thù còn dưới đất là đạn bắn tỉa của dân quân du kích. Người lính không quân lúc đó chỉ còn biết trông chờ vào vận may cùng với kỹ năng tránh “đạn” đã được trang bị trước đó.

Một cuốn sách đặc sệt về Lính bay

Với trung tướng Phạm Phú Thái, cuốn sách Lính bay là những chuỗi ký ức được ông góp nhặt trong suốt 45 năm với hàng nghìn chuyến bay đặc biệt cả trong thời chiến lẫn thời bình.


Và trung tướng Phạm Phú Thái bây giờ

Gối lại dòng ký ức cũ vẫn là những dòng băn khoăn, day dứt: “Nỗi day dứt đó, lịch sử không ghi lại được mà ghim vào lồng ngực, vào những cơn mê, đồng đội chỉ đứng đó, trước mặt mình, nét mặt buồn, mắt nhìn trân trối, không cất lên một tiếng. Bây giờ, khi cuộc chiến càng trôi sâu về quá khứ thì mình càng thấy thắng lợi của cuộc chiến chống lại chiến tranh phá hoại của Mỹ càng ý nghĩa, đặc biệt là tác chiến phòng không, Từ bấy đến nay trên thế giới đã có mấy ai bắn rơi được máy bay Mỹ, bắt sống được phi công Mỹ?”.

Với nhà văn Chu Lai, đây đúng là một cuốn sách về lính bay, đặc sệt lính bay mà không pha trộn sang bất kỳ một sắc lính nào khác cả.

Ông nói: “Xưa nay cũng đã có không ít các tác giả viết về không quân dưới dạng tiểu thuyết, ký sự, và thậm chí có cuốn đã đạt tầm như Vùng Trời của Hữu Mai... nhưng để có 500 trang sách chỉ chuyện nói về bay và lính bay thì có lẽ chỉ có ở cuốn này. Tác giả vốn là phi công chiến đấu đã đánh dư vài chục trận trong thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt nhất nên vốn sống, cảm xúc cứ ùa ra, tràn trề hết trang này đến trang khác mà nếu không phải lính bay thì không thể viết được. Đọc Lính Bay thấy rõ là tác giả không có ý làm văn, không nặng về câu chữ, không chủ trương trưng cất ý tưởng, cũng chẳng dụng công, cầu kỳ trong miêu tả, bố cục mà thấy gì viết đó, nghĩ gì viết ra hết, không một chút hư cấu, không nhấn nhá bổng trầm như thể loại tự truyện, như nhật ký. “Nhật ký bay” nên nó chân thật, nóng hổi, trần trụi, không màu mè uốn éo, cứ để mặc cho những trang biên niên, những con người, những trận đánh cứ lặng lẽ ùa về chạm đến tim người đọc. Cả một trang sử hào hùng của cuộc chiến đấu trên không được khắc hoạ kỹ càng, tỉ mẩn khiến cho ta bỗng hiểu ra một cách tường tận về sự gian khổ, hy sinh, kiên cường, trí tuệ của hình tượng người lính lái máy bay một thời binh lủa để tù đó thấy khân phục, tự hào hơn trong sự nghiệp giữ gìn chủ quyền bầu trời, mặt đất của tổ quốc. Giọng kể bình dị, không lên gân, có đoạn dí dỏm, có đoạn trữ tình, không ít những nhận xét bất ngờ, tinh tế đã cuốn hút người đọc hết trang này đến trang khác. Đó là sức hút của một đề tài lạ của một binh chủng lạ”.

Cuốn sách và những dòng hồi ức của một cuộc đời lính bay sẽ được xuất hiện trong chương trình Giai điệu tự hào số 2. Nội dung chương trình xoay xung quanh Câu chuyện âm nhạc về những trang nhật kí, hồi kí và những bức thư của các nhạc sĩ và người yêu âm nhạc về những ca khúc được yêu thích theo chiều dài lịch sử. Có nhiều cuốn sách được nhắc đến như cuốn "Trở về trong giấc mơ" của nhà thơ Đặng Vương Hưng kể về những câu chuyện tình bí ẩn và xúc động của người lính. Cuốn thứ 2 là Nhật ký của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối. Một cuốn sách nữa đó chính là Lính bay của trung tướng Phạm Phú Thái.

Có một điều đặc biệt là những dòng ký ức của trung tướng Phạm Phú Thái sẽ giúp khán giả hình dung rõ nét hơn về câu chuyện đằng sau ca khúc Hà Tây quê lụa (sáng tác: NS Nhật Lai) một bài ca đã đi cùng năm tháng, được xem như một nét vẽ trữ tình lãng mạn về một miền văn hóa xưa từng tồn tại, đẹp đẽ giữa lòng Hà Nội.

Đào Bích (Dân trí)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn