Ý kiến người làm nghề: Đừng nghĩ gameshow là hào quang
Cập nhật ngày: 21/05/2017 06:12:03
Có rất nhiều trăn trở về thực trạng game show hiện nay nhưng những người trong cuộc được hỏi đều không phủ nhận sự tồn tại của gameshow dù thực tại đang như thế nào. Vấn đề mọi người đặt ra là những ai có trách nhiệm phải có ý thức, phải điều chỉnh, tránh tình trạng bát nháo như hiện nay.
Ý kiến người làm nghề đứng ngoài game show
Giải trí nhưng cũng cần có văn hóa
“Game show là một trong muôn vàn thứ giải trí trên sóng truyền hình. Dù là giải trí nhưng cũng cần có văn hóa, kích thích sự thông minh, sáng tạo của khán giả hoặc chuyển tải một thông điệp tích cực gì cho cuộc sống. Bản thân game show không có lỗi, lỗi ở người làm, người chơi khiến nó vô bổ (nếu không muốn nói là nhảm nhí) trong mắt người xem.
Thí dụ như game show “Siêu sao đoán chữ" gây chuyện lùm xùm vừa qua. Ngay từ cái tên đã phản cảm (chỉ có mục đích tự sướng cho người chơi). Những gương mặt nghệ sĩ đó là "siêu sao" cả ư? Vậy nước ta là cường quốc của nghệ thuật rồi. Phần câu hỏi thì ngớ ngẩn "đút đầu vô đâu?", “Đội cái gì?"… Mục đích của show là tôn vinh "siêu sao" hay đem nghệ sĩ ra đùa giỡn tào lao trước khán giả? Dù là mua chương trình cũng phải biết chọn lọc cho phù hợp với văn hóa Việt.
Nhà đài hình như thả lỏng việc thẩm định format mặc kệ cho các công ty truyền thông thao túng. Nếu không chấn chỉnh từ bây giờ thì đừng trách văn hóa người xem xuống cấp. Chẳng lẽ tắt tivi hoặc chuyển kênh coi phim nước ngoài. Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ
Công chúng phê phán, phải biết rút kinh nghiệm
Tôi không tham gia game show nhưng cũng không đả phá game show. Ai làm được cái gì thì cứ làm thôi. Khi mà công chúng có sự phê phán về game show, chắc hẳn những người làm chương trình phải biết rút kinh nghiệm, làm kỹ hơn. Cũng mong các nhà đài, nhà quản lý chặt chẽ hơn trong kiểm duyệt chất lượng game show khi cho lên sóng, các nghệ sĩ tham gia game thì không nên dễ dãi để có những chương trình chất lượng hơn, không còn bị khán giả phản ứng. Nghệ sĩ Mỹ Uyên
Để không bị phê phán: Trách nhiệm của nhà đài!
Mọi thứ đều đang phát triển theo thời cuộc, cái gì tốt sẽ được đón nhận và tồn tại, còn ngược lại sẽ tự đào thải. Nhu cầu về sự giải trí của mọi người ngày càng cao và không biết như thế nào là đủ, họ xem chán cái này thì phải tìm đến cái khác, nên game show ra đời là để đáp ứng cho sự giải trí. Mà game show cũng là trào lưu chung của các đài truyền hình trên thế giới. Nên còn nhu cầu của người xem thì game show còn phát triển, chúng ta khó mà ngăn chặn dòng lũ đó.
Làm sao game show không bị phê phán đó là trách nhiệm quản lý, của nhà đài, mình có chế độ kiểm duyệt mà. Còn nghệ sĩ thì họ cũng phải mưu sinh nên không thể trách họ được. Cũng vì họ nghĩ có chế độ kiểm duyệt, cái gì không hay, bậy sẽ bị cắt nên đôi lúc không kiểm soát. Chỉ có vài ba nghệ sĩ mới thiếu ý thức thôi chứ phần lớn cũng vẫn cố gắng giữ mình nhưng đôi khi không tránh khỏi sự va vấp vì những lúc cao hứng, mất kiểm soát. Đạo diễn Ngọc Hùng, quản lý một sân khấu có nhiều nghệ sĩ trẻ tham gia game show
Hồng Trang, quán quân Tài tử tranh tài mùa 2, người tham gia rất nhiều game show nhưng theo cô "gameshow là cơ hội cho nghệ sĩ trẻ nhưng họ đừng nghĩ nó là hào quang, ảo tưởng về mình"
Ý kiến những người tham gia game show ít hay nhiều
Sân khấu kiểm duyệt gắt gao, game show thả lỏng?
Game show hiện nay quá nhiều. Thực ra có những game được làm tử tế, có giá trị nhân văn, có tính nghệ thuật. Bên cạnh đó có một số game show làm không nghiêm túc, không được kiểm duyệt đến nơi, cũng không biết quá trình kiểm duyệt như thế nào.
Trong khi một vở kịch mà một sân khấu làm ra phải được Sở Văn hóa - Thể thao kiểm duyệt rất kỹ về nội dung, cách biểu diễn.
Các nhà quản lý nên xem lại quá trình kiểm duyệt của mình chứ nếu để ra đời những game show không nghiêm túc dễ dãi như thời gian qua sẽ làm ảnh hưởng đến văn hóa, kéo nghệ thuật đi xuống, kéo thẩm mỹ của khán giả đi xuống. Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi - người tham gia game show số ít
Cơ hội nhưng đừng ảo tưởng
Nói nghệ sĩ trẻ tham gia game show vì tiền hay vì tìm kiếm sự nổi tiếng là không đúng lắm. Cả hai thứ đó đều hên xui. Với những game show người chơi cho vui một lần thì thôi không tính, còn với những game show chơi xuyên suốt, người chơi phải rất đam mê, nghiêm túc, đầu tư rất nhiều về công sức, thời gian, tiền bạc. Như tôi chơi “Tài tử tranh tài” đã từ chối nhiều show khác, nhiều chương trình lẻ, phải lo lắng kịch bản, tập duyệt rất công phu vất vả.
Những công sức đó, tâm huyết, cống hiến đó của nghệ sĩ chơi game show cũng cần được khán giả nhìn nhận. Tôi muốn nói rằng game show là cơ hội cho nghệ sĩ trẻ nhưng họ đừng nghĩ nó là hào quang, ảo tưởng về mình. Game show giúp mình được biết đến nhưng trụ lại lâu dài để được khán giả chấp nhận hay không là thực lực, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu thực sự của mỗi người. Nghệ sĩ trẻ Hồng Trang, quán quân “Tài tử tranh tài”, người tham gia rất nhiều game show.
Hòa Bình (Dân trí/Pháp luật TPHCM)