Chú trọng xây dựng và quản lý mã số vùng trồng nông sản
Cập nhật ngày: 23/11/2023 09:59:38
ĐTO - Xác định việc cấp mã số vùng trồng, thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc giúp tăng sức cạnh tranh cho nông sản, thời gian qua, huyện Châu Thành tập trung đẩy mạnh thực hiện xây dựng mã số vùng trồng cho các loại nông sản trên địa bàn huyện.
Những năm qua, huyện Châu Thành đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những loại cây có giá trị kinh tế thấp, kém hiệu quả sang những loại cây mang lại giá trị cao hơn. Trong đó, việc phát triển cây ăn trái đang được địa phương tập trung đẩy mạnh. Hiện nay, trên địa bàn có 2.670ha nhãn, 986,5ha sầu riêng, hơn 750ha khoai lang... và nhiều loại cây trồng chủ lực khác.
Để phát triển hiệu quả vùng nguyên liệu tập trung, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian qua, Châu Thành tích cực xây dựng mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực và giàu tiềm năng trên địa bàn. Hiện, toàn huyện Châu Thành có 138 mã số vùng trồng với diện tích 6.359ha được công nhận, tập trung vào các loại nông sản như: sầu riêng, nhãn, khoai lang, mít, lúa...
Toàn huyện Châu Thành có 39 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 333,22ha phục vụ xuất khẩu
Việc xây dựng mã số vùng trồng giúp chuyển biến nhận thức của bà con nhà vườn trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Nhờ vậy, nông sản của địa phương đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức canh tác theo kiểu truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán (xã An Nhơn) cho biết, thời gian qua, Hội quán tích cực vận động các thành viên đăng ký xây dựng mã số vùng trồng nhãn. Đến nay, toàn huyện có 23 mã số vùng trồng nhãn được cấp chứng nhận, diện tích 126ha. Việc xây dựng mã số vùng trồng giúp nông dân tuân thủ các quy định về chăm sóc vườn cây, thu hoạch, đồng thời việc tiêu thụ nhãn thuận lợi và giá cả nhãn cũng cao hơn so với trước đây. “Quy trình sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP để được cấp mã số vùng trồng sẽ khác hơn đôi chút so với sản xuất thông thường. Tuy nhiên, muốn đưa nông sản đi xa, nông dân phải sản xuất theo nhu cầu, quy định của thị trường trong và ngoài nước” - ông Nguyễn Văn Thuận ngụ ấp An Hòa, xã An Nhơn chia sẻ.
Thành viên Canh Tân Hội quán thăm vườn nhãn được cấp mã số vùng trồng
Có thể nói, việc đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng đang góp phần đưa nền nông nghiệp của huyện Châu Thành phát triển theo hướng bền vững. Qua đó, giúp nông dân tăng thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.
Ông Phạm Văn Tâm - Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành cho biết, huyện đang tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực trên địa bàn nhằm tạo thuận lợi cho việc liên kết và tiêu thụ. Định hướng trong năm 2024 sẽ cấp mới 80 mã vùng trồng, với diện tích khoảng 5.200ha.
MN