Huyện Thanh Bình phát huy vai trò kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 13/07/2023 05:50:20

ĐTO - Tận dụng lợi thế về nông nghiệp, những năm qua, huyện Thanh Bình triển khai nhiều giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình kinh tế tập thể (KTTT), đặc biệt là các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống của nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa trong chuyến thăm và làm việc tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thanh Bình, hiện toàn huyện có 19 HTX nông nghiệp đang hoạt động, với tổng số 6.840 thành viên. Nhờ triển khai nhiều giải pháp trong phát triển nông nghiệp, nhất là KTTT nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong huyện ngày càng được cải thiện, nâng cao. Huyện có nhiều HTX sản xuất lúa đạt chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ... Trong đó, có 8 vùng được cấp chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất an toàn với trên 400ha; hơn 350ha sản xuất đạt chuẩn VietGAP; sản xuất theo hướng hữu cơ trên 100ha.

Nhìn chung, các HTX trên địa bàn huyện Thanh Bình đều hoạt động theo Điều lệ HTX, sản xuất kinh doanh - dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế, phát huy được vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản cho các thành viên và các hộ gia đình trên địa bàn.

Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Tân Bình (xã Tân Bình), hiện có hơn 1.000 thành viên với tổng diện tích sản xuất năm 2021-2022 là 688,26ha, trong đó lúa 567,25ha/vụ, đạt 99,9% kế hoạch. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX chú trọng lịch thời vụ và lịch xuống giống tập trung, đồng loạt từ 2-3 ngày, cơ cấu giống trên cánh đồng còn lại 2-3 giống, có 95% thành viên sử dụng giống cấp xác nhận chất lượng cao như: Đài thơm 8, OM 18 và nếp Long An. Cùng với đó, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất được các ngành chuyên môn quan tâm và triển khai tập huấn để thành viên áp dụng như: “3 giảm 3 tăng”; “1 phải 5 giảm”; mô hình sản xuất giảm giá thành chi phí, an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuẩn SRP.

HTX cũng xây dựng cánh đồng liên kết với hơn 150ha; mô hình sản xuất an toàn gắn với tiêu thụ là Công ty Thiện Phát... Ngoài canh tác lúa, HTX còn thực hiện các loại hình dịch vụ như: bơm tưới, làm đất, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hoạt động tín dụng nội bộ, cắt gặt liên hợp, nước sinh hoạt nông thôn, cung ứng giống cây trồng, phơi sấy và tồn trữ.

Ông Trần Thanh Long - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình, cho biết: “Bằng sự tâm huyết, tích cực của các thành viên nên các diện tích sản xuất của HTX đã đáp ứng được thị trường tiêu thụ. Từ thành công ban đầu, HTX đã nghiên cứu mở rộng diện tích đa dạng hóa các loại cây trồng khác nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, tăng nguồn thu cho các thành viên. Thời gian tới, HTX tiếp tục ứng dụng các biện pháp tiến bộ vào sản xuất; tìm kiếm thêm nhiều doanh nghiệp đa dạng đầu ra cho nông sản; mở rộng diện tích trồng ớt, bắp...”.

Còn với HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (xã Tân Mỹ), thời gian qua, huyện đầu tư thực hiện mô hình thâm canh cây ăn trái trọng điểm của huyện. HTX đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP trên cây xoài với 35ha. HTX đang quản lý, sản xuất 992ha với các loại cây: xoài, nhãn, mít...; thực hiện các loại hình dịch vụ như: giới thiệu và tiêu thụ lúa, ớt, cây ăn trái, cung ứng vật tư đầu vào và phân thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp giống lúa, cây trồng...

HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất tích cực liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ thành một vùng trồng rộng lớn, đáp ứng đủ hàng hóa và truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu ra thị trường các nước; đã được cấp 6 mã số vùng trồng cho vùng nguyên liệu Ấp 1 với 83,2ha của 99 hộ. HTX Thống Nhất cũng đang được các ngành, các cấp hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp cho vùng thâm canh cây ăn trái trọng điểm...

Ông Hồ Văn Giao - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất, cho biết: “Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp, HTX thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Lộc Trời; liên kết cung cấp phân hữu cơ cho thành viên. HTX tiếp tục phấn đấu đưa vườn cây ăn trái thành điểm du lịch sinh thái miệt vườn; sản xuất, kinh doanh thêm các dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho thành viên; hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng an toàn, giảm giá thành...”.

Ông Lê Đức Hiền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND huyện hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn tiếp cận các chính sách, các dự án, các ngồn vốn... nhằm đẩy mạnh việc sản xuất hàng hóa đảm bảo nhu cầu thị trường và gắn kết tiêu thụ bền vững với công ty, doanh nghiệp. Điều này giúp khơi nguồn cho các HTX còn lại mạnh dạn sản xuất sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng an toàn, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị cho các ngành hàng nông nghiệp huyện đạt hiệu quả ở mức độ cao hơn...”.

Ông Huỳnh Tất Đạt – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, chia sẻ: “Để hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện Thanh Bình phát triển các mô hình KTTT, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ có hướng hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng thương hiệu nông sản theo hướng VietGAP; hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên cho các HTX...”.

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn