Nông nghiệp, nông thôn huyện Tháp Mười chuyển biến tích cực
Cập nhật ngày: 19/03/2024 05:29:48
ĐTO - Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Tháp Mười dần chuyển dịch sang phát triển theo chiều sâu, gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất. Người nông dân đã có nhiều thay đổi trong tư duy sản xuất, chuyển dịch mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp.... Từ đó góp phần giúp nâng cao đời sống Nhân dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Sen là 1 trong 6 ngành hàng được huyện Tháp Mười lựa chọn trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Ảnh: Hoàng Kha)
Với tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm duy trì trên 100.000ha, sản lượng lúa bình quân đạt trên 600.000 tấn/năm, huyện Tháp Mười được xem là một trong những “vựa lúa” lớn của tỉnh. Những năm qua, huyện thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, giúp phát triển ngành hàng lúa gạo và các ngành tiềm năng theo hướng sản xuất an toàn, quy mô lớn, gắn với truy xuất nguồn gốc... góp phần gia tăng giá trị chuỗi sản xuất.
Nhằm từng bước thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân, những năm qua, địa phương cùng với ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất tiên tiến trên cây lúa như: mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; mô hình lúa theo tiêu chuẩn SRP... Các mô hình từng bước giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất, xây dựng được vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Đáng chú ý, qua các mô hình sản xuất mới từng bước giúp nông dân nâng cao trách nhiệm với người tiêu dùng khi sản xuất lúa theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường...
Là một trong những hợp tác xã có nhiều thành tựu nổi bật trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ngành hàng lúa gạo, những năm qua, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Thắng Lợi, xã Mỹ Đông áp dụng nhiều mô hình sản xuất tiên tiến trên cho cây lúa, góp phần giúp cho xã viên của hợp tác xã tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc HTX DVNN Thắng Lợi tâm sự: “Việc thực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đem lại nhiều thay đổi lớn về tư duy sản xuất của nông dân nơi đây, đặc biệt là sau khi thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn lúa gạo bền vững (SRP). Mô hình này giúp nông dân thay đổi tập quán đốt rơm rạ, tiết kiệm nguồn nước, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng các kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ, quản lý dịch bệnh tổng hợp, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng... Từ những thay đổi đó giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, chất lượng lúa hàng hóa được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị liên kết bao tiêu phục vụ xuất khẩu”.
Những năm qua, việc thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là một trong những chương trình trọng tâm được huyện Tháp Mười đẩy mạnh. Trong giai đoạn 2021 - 2023, diện tích liên kết trong sản xuất lúa của huyện luôn được duy trì và tăng dần qua từng năm. Trong đó, diện tích liên kết trong sản xuất lúa mỗi vụ trên 25.000ha, đạt hơn 22% tổng diện tích xuống giống của toàn huyện. Để phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, việc thực hiện xác lập mã số vùng trồng trên cây lúa và nhân rộng diện tích lúa chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm cũng được huyện Tháp Mười quan tâm đẩy mạnh. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, huyện đã có 75 vùng trồng được xác lập mã số với diện tích 16.216,8ha; diện tích chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm là 65ha.
Ngành hàng sen cũng là một trong những ngành hàng thế mạnh được huyện Tháp Mười tập trung phát triển. Theo đó, huyện quan tâm quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen với quy mô lớn, tạo vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho một số ngành nghề liên quan như: công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ.
Áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất giúp nông dân trồng lúa huyện Tháp Mười giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Đến cuối năm 2023, tổng diện tích trồng sen của huyện là 492,3/550ha, đạt 89,5% so với kế hoạch, đã thu hoạch 489,3ha, năng suất bình quân 3,5 tấn/ha; bình quân nông dân có thể lãi từ 60,13 triệu đồng/ha. Hiện, trên địa bàn huyện được cấp 1 mã số vùng trồng cho Tổ hợp tác sen Hưng Thạnh, xã Hưng Thạnh với tổng diện tích 38ha/19 hộ. Trong năm 2023, thực hiện giám sát, duy trì mã số vùng trồng đề nghị cấp lại với diện tích 49,5ha/20 hộ tham gia, tăng 11,5ha so với diện tích đăng ký lần đầu.
Để chủ động xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến cũng như thúc đẩy ngành du lịch dịch vụ phát triển, huyện Tháp Mười đang tập trung phát triển 3 vùng sản xuất nguyên liệu sen luân canh với các cây, con khác theo chuỗi giá trị. Huyện Tháp Mười đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn huyện đạt 1.000ha, vùng trồng sẽ được tập trung tại các xã gồm: Trường Xuân, Mỹ Hòa, Tân Kiều, Hưng Thạnh và Thạnh Lợi.
Đến nay, huyện Tháp Mười có 22 sản phẩm từ sen, trong đó có 12 sản phẩm đạt 3 sao và 10 sản phẩm đạt 4 sao. Trong thời gian tới, huyện đẩy mạnh việc đầu tư, phát triển sản xuất sen gắn với phát triển văn hóa, du lịch tạo ra các cơ hội để giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong và ngoài nước. Đây là nhân tố quan trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hướng tới phát triển bền vững du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới...
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, huyện Tháp Mười là một trong những địa phương đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đối với ngành hàng lúa gạo. Nhiều mô hình sản xuất mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được người nông dân áp dụng hiệu quả, từ đó, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Để tạo được nhiều đột phá mới trong thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo nói riêng và các ngành hàng tiềm năng còn lại ở địa phương nói chung, huyện Tháp Mười cần đẩy mạnh hơn nữa chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, các mô hình liên kết phải đi vào thực chất và mang tính bền vững hơn. Đồng thời, huyện Tháp Mười cần sơ kết, tổng kết đối với những mô hình sản xuất mới hiệu quả để rút kinh nghiệm từ thực tiễn nhằm nhân rộng các mô hình; đẩy mạnh thực hiện mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi cho các ngành hàng tiềm năng của địa phương nhằm hướng đến sản xuất chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng bền vững hơn.
MỸ LÝ