Nông nghiệp tỉnh nhà tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ

Cập nhật ngày: 13/10/2018 04:03:50

ĐTO - Đầu năm đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh có những bước tăng trưởng đột phá. Nhiều cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.


Trong 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất cây ăn trái đạt 3.409 tỷ đồng, ước cả năm đạt 4.325 tỷ đồng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ước tổng giá trị sản xuất của toàn ngành trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 34.066 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo 9 tháng đầu năm đạt 13.800 tỷ đồng và ước cả năm đạt 17.218 tỷ đồng (tăng 1.411 tỷ đồng so với năm 2017). Ở lĩnh vực cây công nghiệp ngắn ngày và hoa màu, giá trị sản xuất đạt 3.162 tỷ đồng và cả năm ước đạt 4.330 tỷ đồng. Lĩnh vực cây ăn trái, giá trị sản xuất đạt 3.409 tỷ đồng, ước cả năm đạt 4.325 tỷ đồng (tính riêng ngành hàng xoài đạt 1.784 tỷ đồng, tăng 70 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017, ước cả năm đạt 2.238 tỷ đồng).

Đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi có bước tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi 9 tháng đầu năm đạt 1.683 tỷ đồng (tăng 430 tỷ đồng so với cùng kỳ 2017), tính riêng ngành hàng vịt đạt 397 tỷ đồng, ước cả năm đạt 2.095 tỷ đồng, tăng 152 tỷ đồng so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành hàng thủy sản 9 tháng đầu năm đạt 9.879 tỷ đồng, tăng 1.167 tỷ đồng so với cùng kỳ, ước đến cuối năm đạt 11.878 tỷ đồng (riêng ngành hàng cá tra 9 tháng đầu năm đạt 6.520 tỷ đồng, tăng 833 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017; ước năm 2018 đạt 7.661 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trong năm 2018, với sự nỗ lực của toàn ngành, nông nghiệp tỉnh nhà có sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ những năm trước. Trong đó, nổi bật nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, tỷ lệ lao động hoạt động ở nông thôn của tỉnh vẫn còn cao. Thời gian tới, ngành cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp xuống thấp hơn nữa. Ngành nông nghiệp cũng sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu cho ngành chăn nuôi, tạo bước đột phá để đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành tốt hơn trong thời gian tới.

Theo Sở NN&PTNT, trong năm 2019, ngành nông nghiệp đặt chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực 1 (nông, lâm, thủy sản) tăng 3,7% so với năm nay. Diện tích gieo trồng đạt 583.810ha; tổng đàn trâu đạt 4.200 con, đàn bò đạt 70.000 con, đàn heo đạt 702.000 con và đàn gia cầm đạt 9,9 triệu con. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 8.065ha; tổng sản lượng thủy sản nuôi đạt 597.920 tấn, sản lượng thủy sản khai thác đạt 17.000 tấn.


Các mô hình về sản xuất lúa an toàn, giảm giá thành sản xuất, mô hình liên kết chuỗi góp phần giúp người sản xuất ổn định đầu ra, tăng lợi nhuận

Để đạt được kế hoạch đề ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra nhiều giải pháp thiết thực bám sát tình hình sản xuất thực tế như: đẩy mạnh tập trung đất đai, ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm rút nhanh lao động ra khỏi nông nghiệp. Thực hiện tốt việc chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang canh tác cây ăn trái, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, gieo trồng hoa kiểng và các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Phát biểu trong buổi làm việc với Sở NN&PTNT vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương yêu cầu trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần đổi mới phương thức hỗ trợ về kỹ thuật cho người nông dân. Trong đó, ưu tiên nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giảm giá thành sản xuất và mô hình hỗ trợ kỹ thuật cần xây dựng phù hợp theo các quy chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp thu mua để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được gắn kết tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa nhiều hơn, ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn