Phát triển sản phẩm xoài mang Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh”
Cập nhật ngày: 06/06/2024 13:41:39
ĐTO - Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, gồm 3 giống chính: xoài cát, xoài cát chu và xoài tượng da xanh. Ghi nhận uy tín, danh tiếng và tính chất đặc thù của xoài Cao Lãnh, năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài cát chu và xoài cát, đối với khu vực địa lý các vùng xoài trên địa bàn TP Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030” bắt đầu thực hiện từ năm 2022, trong đó có nhiệm vụ “Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu”.
Xoài Cao Lãnh đã đạt nhiều giải thưởng cao trong các hội thi trái cây ngon
Theo ông Võ Thanh Tuấn - Chủ tịch Hội ngành hàng xoài Đồng Tháp, xoài là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh. Xoài Cao Lãnh từ lâu đã trở thành một thương hiệu quen thuộc, uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, được minh chứng qua câu nói: “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh”. Được mệnh danh là “Vương quốc xoài”, tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 14.500ha trồng xoài; trong đó, huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh có tổng diện tích trồng xoài chiếm 60% diện tích trồng xoài toàn tỉnh và sản lượng hằng năm đạt trên 80.000 tấn”.
Xoài Cao Lãnh được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước và những điểm du lịch nổi tiếng. Xoài Cao Lãnh có mặt ở các kênh phân phối phổ biến từ chợ, cửa hàng bán lẻ đến hệ thống siêu thị như: Co.op Mart, WinMart, Bách Hóa Xanh... Xoài Cao Lãnh cũng đã xuất khẩu sang thị trường các nước: Nhật Bản, Mỹ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc... Người dân Đồng Tháp còn khai thác thế mạnh từ trái xoài để chế biến thành các món ăn, thức uống như: xoài sấy dẻo, bánh xoài, bánh tráng xoài, rượu xoài, kẹo xoài, kem xoài... tạo bước đột phá trong công nghệ chế biến, phát huy giá trị tài nguyên bản địa trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, có nhiều sản phẩm khởi nghiệp đạt chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, các cơ quan quản lý của tỉnh Đồng Tháp, hàng năm tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ công tác sản xuất, xúc tiến thương mại và nâng cao giá trị cho sản phẩm xoài của tỉnh. Theo Kế hoạch số 308 ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh về phát triển ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng xoài một cách hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu; tổ chức liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, kiểm soát được chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm; gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Xoài Cao Lãnh
Được thành lập năm 2023, Hội ngành hàng xoài Đồng Tháp là tổ chức tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Vừa qua, Hội ngành hàng xoài Đồng Tháp phối hợp với Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm xoài mang Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” và Hội thi trái xoài ngon năm 2024 nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh và sản phẩm, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong liên kết tiêu thụ, góp phần đưa sản phẩm xoài Cao Lãnh vươn lên tầm cao mới.
“Hội ngành hàng xoài Đồng Tháp tích cực trong các hoạt động và công tác phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để thực hiện các hoạt động hỗ trợ hoạt động trồng trọt, sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao kỹ năng bán hàng, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại; xây dựng mô hình thí điểm các chuỗi liên kết: “Nông dân - Doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nước” để tạo lập và phát triển thị trường trong nước bền vững; là cầu nối, kết nối nguồn lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại, canh tác giữa các hộ nông dân trồng xoài, cơ sở sản xuất chế biến xoài, các nhà kinh doanh xoài (nhà vựa, thương lái) và các cá nhân, tổ chức khai thác giá trị từ xoài theo phương châm: “Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến”, tham gia quản lý, khai thác Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp được hiệu quả” , ông Võ Thanh Tuấn - Chủ tịch Hội ngành hàng xoài Đồng Tháp cho biết.
Người nông dân Cao Lãnh đã phát hiện và phát triển giống xoài bản địa, tạo nên sản phẩm đặc trưng của vùng đất. Nông dân đã kết hợp kỹ năng truyền thống và biện pháp khoa học kỹ thuật để canh tác và chăm sóc xoài hiệu quả. Phương pháp rải vụ và bao trái giúp người nông dân tăng năng suất, giảm hao hụt và hạn chế sử dụng thuốc hóa học. Nông dân cũng biết cách ghép và xử lý để cây xoài tạo ra trái sớm và nghịch mùa, đồng thời thu hoạch và bảo quản sản phẩm để xuất khẩu. Tất cả những nỗ lực này đã góp phần quan trọng vào chất lượng và danh tiếng của xoài Cao Lãnh...
|
Thu Dung