TP Sa Đéc thực hiện các giải pháp đảm bảo thắng lợi vụ đông xuân
Cập nhật ngày: 09/11/2022 17:38:05
ĐTO - Vụ đông xuân 2022 - 2023, TP Sa Đéc có kế hoạch gieo trồng khoảng 1.500ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các ngành, địa phương của thành phố tập trung tuyên truyền cho nông dân cách chăm sóc cây màu, gieo sạ lúa đúng cơ cấu giống và lịch thời vụ…
Nhằm đảm bảo sản xuất, trên cây lúa, các ngành, địa phương TP Sa Đéc khuyến cáo nông dân xây dựng và bố trí lịch thời vụ theo hướng xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy bảo đảm tốt liên kết tiêu thụ; bảo đảm phải có thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 3 tuần. Trên cơ sở theo dõi số liệu bẫy đèn, tình hình thủy văn, thực tế sản xuất ở từng địa phương, các xã, phường xác định cụ thể thời điểm xuống giống phù hợp theo từng cánh đồng, khu vực và chỉ đạo kịp thời việc vệ sinh đồng ruộng, tu sửa bờ vùng, bờ thửa, chủ động việc tưới tiêu phục vụ tốt sản xuất; đảm bảo cơ cấu mùa vụ phù hợp với điều kiện đất đai, sinh thái, nguồn nước, thời tiết... Các địa phương khuyến khích nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, giống chất lượng cao, thích nghi với điều kiện đất địa phương, năng suất cao và ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, chống chịu với một số đối tượng sâu bệnh chủ yếu.
Về bố trí lịch thời vụ, thành phố khuyến cáo lịch xuống giống lúa đông xuân 2022-2023 theo 2 đợt: đợt 1, từ ngày 7-14/11/2022 (14-21/10/2022 âm lịch); đợt 2, từ ngày 7-14/12/2022 (14-21/11/2022 âm lịch). Trong đó, cơ cấu nhóm giống lúa, ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao như: OM 18, OM 4900, OM 6976, OM 5451, Đài Thơm 8, Jasmine 85... và giống bổ sung: OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 6162, VD 20, RVT, OM 9582...
Bên cạnh đó, các xã, phường chủ động xây dựng, phát triển thêm các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất giống, bảo đảm đủ lượng giống phục vụ sản xuất ở địa phương. Về áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đối với cây lúa, giảm lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha, sử dụng công cụ sạ bằng máy (sạ cụm), sử dụng máy cấy, sạ theo hàng; nhân rộng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, mô hình giảm giá thành sản xuất lúa; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm giá thành, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; tăng cường cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, thu hồi rơm rạ tái sử dụng, sử dụng phân hữu cơ, giảm dần lượng phân hóa học để tiết kiệm chi phí, tăng chất lượng gạo...
Đối với hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, các ngành, địa phương trên địa bàn TP Sa Đéc khuyến cáo sản xuất linh hoạt, phù hợp thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ rau tại địa phương. Trong đó, chú trọng biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý, quản lý dịch hại và bón phân cân đối. Trên đất chuyển đổi trồng lúa sang hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày cần chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, tuyệt đối không để úng cục bộ, liên vùng... Đồng thời tập trung liên kết sản xuất tiêu thụ, xây dựng các vùng nguyên liệu cung ứng theo yêu cầu thị trường (doanh nghiệp) nhằm gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất...
Trang Huỳnh