Đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt - hậu quả khôn lường
Cập nhật ngày: 07/07/2024 05:42:19
ĐTO - Sử dụng xung điện, chất nổ, ngư cụ bị cấm để khai thác, đánh bắt thủy sản không chỉ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản mà còn nguy hiểm đến tính mạng của những người xung quanh. Thời gian qua, các lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp đã tuần tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản.
Công an huyện Châu Thành bắt quả tang các đối tượng có hành vi khai thác thủy sản trái phép (Ảnh: Thanh Mỹ)
Cào điện tung hoành
Từ năm 2020 đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp đã xử lý gần 500 vụ, với hơn 520 đối tượng khai thác thủy sản trái phép, chủ yếu là trên sông Tiền và sông Hậu (đoạn thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp). Tuy nhiên, hành vi vi phạm này vẫn tiếp tục xảy ra và có chiều hướng gia tăng.
Điều đáng nói là một số người vì lợi ích trước mắt mà vô tư khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt như: dùng xung điện, lưới có mắc cỡ nhỏ, thậm chí là chất nổ, hóa chất để khai thác... Cụ thể vào lúc 20 giờ 17/6, Đội nghiệp vụ Công an TP Sa Đéc phối hợp Công an xã Tân Khánh Đông tuần tra trên tuyến sông Tiền, phát hiện ông B.V.Q. (SN 1988) ngụ xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò đi trên vỏ lãi, sử dụng công cụ kích điện đánh bắt cá. Trước đó, vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 13/6 trên sông Tiền đoạn thuộc ấp Phú Lợi A, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, Công an xã Phú Thuận B bắt quả tang ông T.V.M. (SN 1965) ngụ Ấp 1, xã An Hòa, huyện Tam Nông sử dụng kích điện để khai thác thủy sản trái phép. Tổ công tác đã lập biên bản, thu giữ tang vật. Đến 6 giờ cùng ngày, Công an xã Phú Thuận B tiếp tục phát hiện, bắt quả tang ông T.T.H. (SN 1982) ngụ thị trấn Chợ Mới, tỉnh An Giang sử dụng cào điện để khai thác thủy sản trái phép.
Cơ quan điều tra Công an huyện Châu Thành làm việc với đối tượng Nguyễn Văn Sỉ (Ảnh: Thanh Mỹ)
Với hành vi vi phạm do khai thác thủy sản trái phép mà ông Nguyễn Văn Sỉ (SN 1996) ngụ xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành bị Công an huyện khởi tố về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Ông Sỉ từng có 1 tiền sự, 1 tiền án với cùng hành vi trên bị Tòa án nhân dân huyện Châu Thành tuyên phạt 1 năm tù giam, chấp hành án xong chưa xóa án tích thì ông Sỉ tiếp tục vi phạm.
Sử dụng các hình thức khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt nguồn lợi thủy sản là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật và đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế để giải quyết vấn đề này, vẫn còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân.
Một người dân nuôi cá trên địa bàn huyện Châu Thành lo lắng, cho biết: “Tôi làm nghề nuôi cá trong lồng bè trên sông, nhưng thời gian qua, một số người dân lén lút đánh bắt cá bằng cách chích điện và dùng chất nổ, hóa chất đổ xuống sông để bắt cá đã gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi cá lồng bè trên sông, vì cá bị chết hàng loạt. Mỗi lần có người thuốc cá là tôi phải tốn nhiều chi phí để trị bệnh cho cá”.
Theo thượng tá Nguyễn Văn Ca - Phó Trưởng Công an huyện Thanh Bình: “Việc sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép, ảnh hưởng đến môi trường sống của cá nuôi lồng bè ven các tuyến sông, gây bức xúc trong Nhân dân. Tuy nhiên, do các đối tượng đánh bắt thủy sản trái phép thường không cư trú trên địa bàn, nếu bị phát hiện sẽ ném bỏ tang vật hoặc chống trả, gây nhiều khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ”.
Một người dân sử dụng xung điện bắt cá, bị cơ quan chức năng phát hiện (Ảnh: Thanh Mỹ)
Tăng cường các giải pháp ngăn chặn
Thời gian qua, Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ thủy sản. Đồng thời mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý đối tượng hủy hoại thủy sản. Rà soát, lên danh sách, tuyên truyền, vận động các đối tượng giao nộp các công cụ đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Theo thượng tá Nguyễn Trung Thành - Phó Trưởng Công an huyện Châu Thành, từ đầu năm đến nay, Công an huyện đã bắt 14 vụ, 17 đối tượng, trong đó đã khởi tố 2 vụ, 2 đối tượng. Đáng chú ý, Công an huyện đã chủ động nắm tình hình, phát hiện 1 đối tượng đang sản xuất, tàng trữ 37 bộ kích điện phục vụ cho các đối tượng dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép. Đa phần những người dùng điện hay hóa chất để khai thác thủy sản đều biết đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, do một phần là việc khai thác thủy sản bằng điện hoặc hóa chất đem lại nguồn kinh tế trước mắt, nên người dân cố tình vi phạm, không nghĩ đến hậu quả sau này.
Thượng tá Nguyễn Trung Thành - Phó Trưởng Công an huyện Châu Thành, cho biết thêm: Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, xử lý, Công an huyện Châu Thành sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục các đối tượng vi phạm để họ chuyển nghề. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật, đồng thời mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm pháp luật để các cơ quan chức năng xử lý.
Ông Dương Thọ Trường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Đồng Tháp cho biết: Thực hiện Quyết định 146 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc thực hiện Chương trình Quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; đặc biệt là nâng cao năng lực hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt; thiết lập cơ chế và tổ chức quản lý các khu bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tiếp tục thực hiện bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp quý, hiếm, các loài thủy sản bản địa, loài có giá trị kinh tế, khoa học; thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm. Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách chuyển đổi nghề, hỗ trợ đào tạo, cho vay giải quyết việc làm cho người dân để họ không tái phạm.
Sông Ngân - Thanh Mỹ