Một số quy định mới về tố cáo
Cập nhật ngày: 04/06/2012 07:17:49
Luật Tố cáo (TC) gồm 8 chương và 50 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2012. Luật TC nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác giải quyết TC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn mới hiện nay.
Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền TC của công dân cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc giải quyết TC, Luật TC quy định 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật (VPPL). Một là quy định về TC và giải quyết TC đối với hành vi VPPL của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; hai là quy định về TC và giải quyết TC đối với hành vi VPPL của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Nhằm đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, Luật TC quy định về áp dụng pháp luật về TC và giải quyết TC như: việc tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; trường hợp luật khác có quy định khác về TC và giải quyết TC thì áp dụng quy định của luật đó (Điều 3).
Luật TC đã quy định cụ thể và đầy đủ hơn về quyền, nghĩa vụ của người TC, người bị TC, người giải quyết TC. Luật TC quy định bổ sung người TC có thêm các quyền như quy định việc giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo đảm quyền này của người TC. Vì là quyền nên người TC có thể thực hiện hoặc không thực hiện, trong trường hợp người TC thấy không cần thiết giữ bí mật và muốn công khai họ tên, địa chỉ thì có thể tự mình chủ động thực hiện điều đó hoặc báo cho cơ quan, tổ chức có liên quan để công khai theo yêu cầu của mình.
Ngoài quy định người TC được quyền yêu cầu thông báo kết quả giải quyết TC thì người TC còn được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết TC, thông báo chuyển vụ việc TC sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết; được quyền TC tiếp; được khen thưởng theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, người TC cũng có nghĩa vụ phải nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực về nội dung TC; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung TC của mình và có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý TC sai sự thật của mình gây ra.
Luật TC cũng bổ sung quy định người bị TC có quyền được nhận thông báo kết quả giải quyết TC; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý giải quyết TC trái pháp luật; được xin lỗi, cải chính công khai do việc việc TC, giải quyết TC không đúng gây ra. Người bị TC cũng có nghĩa vụ giải trình bằng văn bản về hành vi bị TC; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.
Về xác minh nội dung TC, kết luận nội dung TC đối với hành vi VPPL của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, Luật TC quy định cụ thể người có thẩm quyền giải quyết TC tiến hành xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung TC (trường hợp này, người giải quyết TC phải giao việc xác minh bằng văn bản).
Đối với việc xác minh nội dung TC, kết luận nội dung TC hành vi VPPL về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thì người tiếp nhận TC phải trực tiếp tiến hành hoặc báo cáo người có thẩm quyền giải quyết TC tiến hành ngay việc xác minh nội dung TC để người có thẩm quyền tiến hành hoặc đề nghị xử lý hành vi vi phạm đó. Khi quá thời hạn quy định mà TC không được giải quyết hoặc người TC có căn cứ cho rằng việc giải quyết TC không đúng pháp luật thì người TC có quyền TC tiếp với người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có trách nhiệm giải quyết.
Để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, Luật TC quy định một số nội dung mới như người giải quyết TC có trách nhiệm công khai kết luận nội dung TC, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị TC bằng các hình thức: công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị TC công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết TC quyết định xử lý hành vi vi phạm bị TC; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc công khai này phải bảo đảm không tiết lộ thông tin về người TC và những nội dung thuộc bí mật nhà nước.
Ngoài ra, Luật TC còn quy định về bảo vệ người TC; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết TC; khen thưởng và xử lý vi phạm...
Nhật Anh