Năm 2024 là “Năm phòng, chống lừa đảo trực tuyến”
Cập nhật ngày: 06/05/2024 05:49:47
ĐTO - Hiện nay, nguy cơ mất an toàn thông tin nói chung và vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang trở nên ngày càng phổ biến, phức tạp và gây hậu quả ngày càng lớn. Việc bảo đảm an toàn thông tin, phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn chủ đề năm 2024 trong lĩnh vực an toàn thông tin là “Năm phòng, chống lừa đảo trực tuyến”.
Để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương trong việc nhận thức và triển khai thiết thực, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước, góp phần tăng cường bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về an toàn thông tin mạng trong năm 2024.
Trong đó, bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Mục tiêu là 100% hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý được phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ chậm nhất trong tháng 9/2024. 100% hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ được phê duyệt, chậm nhất trong tháng 12/2024.
Đồng thời duy trì và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp” (lực lượng tại chỗ; tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia). Mục tiêu 100% hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức được tổ chức bảo đảm an toàn thông tin thực chất, toàn diện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; nâng cao năng lực của lớp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp và kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia.
Cùng với đó, kiểm tra tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng. Bảo đảm an toàn thông tin mạng vừa là bảo vệ tổ chức nhưng cũng là trách nhiệm của tổ chức. Nếu không tuân thủ, tổ chức sẽ phải đối mặt với rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi xảy ra sự cố. Mục tiêu 100% bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, địa phương sử dụng hiệu quả các nền tảng số. Mục tiêu 100% các bộ, ngành, địa phương triển khai áp dụng hiệu quả các nền tảng được cung cấp để thực hiện quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong phạm vi quản lý, giúp chuyển đổi số và giám sát, đo lường hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Thời gian qua, người dân thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn lừa đảo qua mạng (lừa đảo trực tuyến), các đối tượng xấu (đối tượng lừa đảo) tìm mọi cách để lợi dụng, áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt người dân theo kịch bản. Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư... Các kỹ thuật tấn công lừa đảo phát triển ngày càng cao do kết hợp nhiều công nghệ mới, từ việc đơn giản là lừa đảo mật khẩu tài khoản qua email đến kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) và giả mạo sâu (DeepFake), thông qua mạng xã hội, thiết bị di động, thiết bị IoT (Internet of Things) để thực hiện các cuộc tấn công lừa đảo tinh vi hơn. Lừa đảo trực tuyến đã trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất trong thế giới số.
Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tập trung triển khai phòng, chống lừa đảo trực tuyến. Mục tiêu 100% người dân trên địa bàn được tuyên truyền thường xuyên, liên tục thông qua các tổ chức mạng lưới, phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, mạng xã hội... Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng. Mục tiêu 100% bộ, ngành, địa phương tổ chức diễn tập thực chiến trong năm 2024.
Thanh Trúc