Năm luật và pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ 1/7

Cập nhật ngày: 28/06/2012 07:37:11

Từ ngày 1/7/2012, bốn luật và một pháp lệnh sẽ có hiệu lực thi hành. Đó là Luật Lưu trữ; Luật Đo lường; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo và Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.

Phát huy tối đa giá trị tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam

Với 7 chương và 42 điều, Luật Lưu trữ quy định rõ theo các nguyên tắc quy định về quản lý công tác lưu trữ ở các cấp, các ngành và các địa phương. Nhà nước thống nhất quản lý Phông lưu trữ quốc gia; hoạt động lưu trữ được thực hiện theo pháp luật; tài liệu Phông lưu trữ quốc gia, được nhà nước thống kê.

Nhà nước đảm bảo ngân sách, nguồn nhân lực trong bảo vệ, bảo quản an toàn, sử dụng có hiệu quả tài liệu Phông lưu trữ quốc gia; hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật và ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động lưu trữ....

Với mục đích phát huy tối đa tài liệu lưu trữ, thông tin tài liệu lưu trữ và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tài liệu Phông lưu trữ quốc gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, lần đầu tiên Luật quy định: “Tài liệu lưu trữ tại các lưu trữ lịch sử được sử dụng rộng rãi; trừ tài liệu thuộc danh mục hạn chế sử dụng và danh mục tài liệu có đóng dấu chỉ mức độ mật”.

Thời hạn giải mật các tài liệu cũng được quy định cụ thể: “Sau 40 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có dấu mật nhưng chưa được giải mật” và “sau 60 năm kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu tối mật, tuyệt mật nhưng chưa được giải mật”.

Nhiều điểm mới trong Luật Đo lường

Gồm 9 Chương, 58 Điều, điểm mới của Luật Đo lường là có một mục riêng quy định cụ thể về kiểm tra nhà nước về đo lường. Luật quy định trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó.

Số tiền thu lợi bất chính phải bị tịch thu. Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và thực hiện các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Lần đầu tiên việc xã hội hóa các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến đo lường như kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được quy định cụ thể tại Luật.

Đảm bảo các quyết định giải quyết khiếu nại được thực hiện nghiêm

Luật Khiếu nại gồm 8 chương, 70 điều. Luật bổ sung quy định mới về trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung.

Theo đó, nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung mà khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi nhận nội dung khiếu nại.

Nếu nhiều người khiếu nại bằng đơn thì đơn phải có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại. Luật cũng bổ sung quy định về việc ra quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp này.

Luật bổ sung một số quy định mới về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại cho phù hợp với thực tiễn theo hướng đơn giản, công khai, dân chủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người khiếu nại.

Đặc biệt, Luật quy định việc gặp gỡ, đối thoại trong trường hợp cần thiết và có thể mời đại diện tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có liên quan tham dự.

Đối với những vụ việc phức tạp, trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại, nếu thấy cần thiết người giải quyết khiếu nại có thể thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại.

Quy định rõ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo

Luật Tố cáo gồm 8 Chương và 50 Điều, quy định một số nội dung mới về công khai nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm tố cáo.

Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo bằng các hình thức: công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Việc công khai này phải đảm bảo không tiết lộ thông tin về người tố cáo và những nội dung thuộc bí mật nhà nước.

Luật cũng bổ sung một chương mới về bảo vệ người tố cáo. Luật xác định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp cận thông tin về người tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo đều có trách nhiệm bảo đảm giữ bí mật các thông tin này không kể người tố cáo có yêu cầu hay không.

Một nội dung khác đáng chú ý là Luật quy định việc tố cáo tiếp, các điều kiện để tố cáo tiếp và việc xem xét, giải quyết của cơ quan, tổ chức cấp trên.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, thi hành văn bản pháp luật

Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật gồm 4 chương và 20 điều.

Pháp lệnh quy định rõ nguyên tắc: “Chỉ hợp nhất văn bản do cùng một cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành”, “Việc hợp nhất văn bản không được làm thay đổi nội dung và hiệu lực của văn bản được hợp nhất” và phải “Tuân thủ trình tự, kỹ thuật hợp nhất văn bản”.

Pháp lệnh quy định cụ thể về thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị-xã hội; thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị-xã hội; thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của các cơ quan khác của Nhà nước; việc đăng văn bản hợp nhất trên Công báo và trang thông tin điện tử; xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc hợp nhất văn bản; thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hợp nhất…/.

Vietnam+

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn