Những điều cần biết về công tác phòng không nhân dân
Cập nhật ngày: 22/04/2024 09:38:15
ĐTO - Công tác phòng không nhân dân là một nét sáng tạo độc đáo nghệ thuật tiến hành chiến tranh Nhân dân Việt Nam. Hiện nay, trên thế giới chỉ có Việt Nam là một quốc gia duy nhất tổ chức, tiến hành công tác phòng không nhân dân song song với việc tổ chức lực lượng phòng không 3 thứ quân, trong đó lấy lực lượng Phòng không - Không quân làm nòng cốt đánh địch trên mặt đất đối không nhằm đánh bại các cuộc tiến công ồ ạt, quy mô lớn, bằng vũ khí công nghệ cao của địch trong chiến tranh hiện đại.
Chính phủ có những quy định cụ thể về việc tổ chức, sử dụng tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ. Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó. Trong các phương tiện bay siêu nhẹ, khí cầu là khí cụ bay mà lực nâng được tạo bởi chất khí chứa trong vỏ bọc của nó và có 2 loại: có người lái và không có người điều khiển; mô hình bay gồm tàu lượn và dù bay, diều bay. Tàu lượn được mô phỏng theo hình dáng các loại máy bay, được gắn động cơ sử dụng năng lượng pin hoặc nhiên liệu lỏng, rắn hoặc năng lượng mặt trời, được điều khiển bằng vô tuyến hoặc chương trình lập sẵn. Dù bay, diều bay có hoặc không có người điều khiển, trừ các loại diều bay dân gian.
Lợi ích của tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ là ứng dụng các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, du lịch, cứu hộ cứu nạn, phòng, chống cháy rừng... Bên cạnh đó, cũng có tác hại như các thế lực thù địch có thể sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ từ xa đột nhập đường không vào địa bàn tỉnh bí mật thu thập tin tức hoặc rải truyền đơn, phát tán tài liệu khích động, thả chất cháy, chất nổ, chất độc hóa học vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh trại, kho tàng, khu vực đông dân cư, địa bàn có tình hình phức tạp... Đặc biệt, trong các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, sử dụng Flycam mang theo chất nổ để khủng bố hoặc làm phương tiện hỗ trợ cho lực lượng phản động khi xảy ra gây rối, bạo loạn.
Theo quy định nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, sau khi được Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chấp nhận, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh các loại tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
Nhà nước quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Cụ thể, cấm tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay. Cấm tổ chức bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định trong phép bay, vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia. Cấm mang chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay; phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại. Cấm lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép, treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay. Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động bay bao gồm: đến Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và hoạt động để khai báo đăng ký quản lý phương tiện và được hướng dẫn khai thác sử dụng. Đồng thời làm thủ tục xin phép bay trước khi tổ chức các hoạt động bay. Sau khi có phép bay, trước mỗi ngày bay phải liên hệ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp để thông báo, hiệp đồng kế hoạch bay (thời gian, địa điểm, người điều khiển, công tác bảo đảm an toàn...). Trong suốt quá trình bay, chịu sự giám sát trực tiếp của Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện nơi tổ chức bay.
Cùng với đó, tuân thủ các quy định, điều kiện, giới hạn được nêu trong phép bay, chấp hành nghiêm hiệu lệnh đình chỉ bay. Nếu để xảy ra mất an toàn hàng không, gây thiệt hại cho người, tài sản dưới mặt đất, phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Khi kết thúc bay, báo cáo ngay về Ban Phòng không, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp (02773.526.678).
Theo quy định, Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu cấp phép, từ chối cấp phép bay. Các tổ chức, cá nhân muốn tổ chức các hoạt động bay, gửi đơn xin phép bay về địa chỉ: Số 01, Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, TP Hà Nội (mẫu đơn kèm theo Nghị định số 79/2011/NĐ-CP ngày 5/9/2011 của Chính phủ).
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp, Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện giám sát, yêu cầu đình chỉ hoạt động trong trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân tổ chức bay khi chưa được cấp phép hoặc vi phạm các giới hạn, quy định trong phép bay. Công an địa phương tạm giữ phương tiện bay, điều tra thu thập thông tin, trích xuất dữ liệu camera trên phương tiện bay và các thiết bị phục vụ bay, lập biên bản sự việc, thông báo về cơ quan, địa phương quản lý, phối hợp cơ quan quân sự địa phương tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện các hoạt động bay đúng quy định.
Thanh Trúc