Phát huy hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

Cập nhật ngày: 25/01/2024 05:13:45

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240125051511dt2-4.mp3

 

ĐTO - Hòa giải ở cơ sở (HGƠCS) là việc hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật hòa giải. Toàn tỉnh có 106 Câu lạc bộ Hòa giải (CLBHG) ở cơ sở đã tạo điều kiện cho các hòa giải viên (HGV) tiếp cận, cập nhật kiến thức pháp luật, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác hòa giải, góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành.


Lễ ra mắt Câu lạc bộ Hòa giải Phường 1, TP Sa Đéc

Công tác HGƠCS trên địa bàn huyện Lấp Vò được các cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn quan tâm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải. Năm 2017, huyện thành lập mô hình CLBHG xã Vĩnh Thạnh và đến nay đã phát triển được 13 CLB ở các xã, thị trấn. Ông Nguyễn Thành Đông - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Lấp Vò, cho biết: “Trên địa bàn huyện có 68 Tổ HGƠCS với 411 HGV. Qua 10 năm thực hiện Luật HGƠCS, các Tổ HGƠCS tiếp nhận gần 2.500 vụ việc yêu cầu hòa giải, trong đó hòa giải thành hơn 2.270 vụ (đạt 91%). Bên cạnh đó, công tác rà soát, củng cố, kiện toàn các Tổ HGƠCS được quan tâm thực hiện, tổ chức tập huấn cho HGV mới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ HGV, từ đó tỷ lệ hòa giải thành được nâng lên”.

Hằng ngày, trong cuộc sống do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan niệm, nhận thức, lối sống, tính cách... nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa cá nhân, hộ gia đình với nhau trong cộng đồng dân cư không thể tránh khỏi. Trên địa bàn huyện Cao Lãnh thành lập 92 Tổ HGƠCS với 464 HGV. Các HGV được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ HGƠCS. Qua 10 năm thực hiện Luật HGƠCS, các Tổ HGƠCS đã tiếp nhận và tổ chức hòa giải gần 4.040 vụ việc tranh chấp trong nội bộ Nhân dân; trong đó hòa giải thành 3.470 vụ việc (đạt trên 85%).

Các CLBHG ở cơ sở đã góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, góp phần giữ gìn đảm bảo ổn định trật tự, an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của người dân. Trong mỗi kỳ sinh hoạt, các thành viên trong CLBHG giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn công tác hòa giải tại các Tổ HGƠCS. Từ đó, giúp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và bàn bạc, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hòa giải những vụ việc phát sinh trong thực tế. Đồng thời đưa ra giải pháp mới, cách làm hiệu quả hoặc kiến nghị về cấp trên những nội dung khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải.

Theo UBND TP Cao Lãnh, trên địa bàn thành phố có 69 Tổ HGƠCS với 427 HGV. UBND thành phố thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng HGƠCS và phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề về công tác HGƠCS. Ngoài ra, UBND thành phố tổ chức Hội thi HGV giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn truyền tải những nội dung pháp luật cần thiết đến với các đối tượng một cách ngắn gọn, dễ nhớ. Cùng với đó, địa phương vận động đội ngũ luật gia, những người tham gia công tác ở các cơ quan tố tụng đã nghỉ hưu tham gia tích cực vào các hoạt động HGƠCS.


Câu lạc bộ Hòa giải phường An Hòa, TP Sa Đéc tổ chức sinh hoạt định kỳ

Bằng sự nhiệt huyết, đóng góp tích cực của đội ngũ HGV ở cơ sở, những mâu thuẫn nhỏ, những khó khăn trong mối quan hệ gia đình, khóm, ấp đã được các HGV vận động, thuyết phục, đem lại cuộc sống bình yên trong xã hội. Công tác HGƠCS đã trở thành hoạt động gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, khóm, ấp, góp phần ổn định an ninh trật tự cho người dân. Ông Đinh Thanh Sơn - Chủ nhiệm CLBHG phường An Hòa, TP Sa Đéc, chia sẻ: “Năm 2017, CLBHG phường An Hòa thành lập với 30 thành viên tham gia trên tinh thần thiện nguyện, trong đó có 19 HGV ở 4 khóm. Trước đây, các Tổ HGƠCS hòa giải độc lập, tự xem xét, giải quyết đơn phương từng vụ việc nên kết quả hòa giải thành không cao. Khi CLBHG phường thành lập đã tạo thuận lợi cho các HGV có dịp cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận, tìm ra nhiều giải pháp mới, cách làm hay trong việc định hướng cho vụ việc hòa giải nên tỷ lệ hòa giải thành ngày càng được nâng lên”.

Các HGV được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hướng dẫn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện nên tỷ lệ hòa giải thành được nâng cao. Qua đó, tạo được lòng tin của người dân, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, tạo nên mối quan hệ “tình làng, nghĩa xóm” tốt đẹp và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Theo UBND TP Sa Đéc, công tác HGƠCS trên địa bàn thành phố đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt từ khi Luật HGƠCS được ban hành đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, ngày càng phát huy vai trò, ý nghĩa quan trọng của hoạt động HGƠCS.

Bà Trần Thị Nga - Trưởng Phòng Tư pháp TP Sa Đéc, cho biết: “Trên địa bàn thành phố đã phát triển 9 CLBHG ở các xã, phường. Các CLBHG này được Phòng Tư pháp thành phố hỗ trợ cập nhật, phổ biến những văn bản mới cho các HGV. Các vụ việc hòa giải gặp khó khăn đều được đưa ra bàn bạc, thảo luận để tìm ra hướng hòa giải đạt hiệu quả. Các CLBHG giúp gia tăng tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp”.


Ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó Giám đốc Sở Tư pháp (thứ 5 từ trái sang) và ông Nguyễn Thế Hồng Trung - Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh tặng quà cho các Hòa giải viên tiêu biểu trên địa bàn huyện

Có thể thấy, công tác HGƠCS có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, củng cố “tình làng, nghĩa xóm”, thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Mặt khác, thông qua hoạt động HGƠCS, các tranh chấp, mâu thuẫn được hòa giải, giải quyết kịp thời, nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu nại gửi vượt cấp và giảm số vụ việc khởi kiện ra tòa.

DƯƠNG ÚT

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn