Tháp Mười: Xử lý nhiều vụ việc liên quan đến vật tư nông nghiệp

Cập nhật ngày: 03/08/2012 07:22:42

Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, nên các hoạt động buôn bán vật tư nông nghiệp tại huyện Tháp Mười rất phát triển. Để quản lý các mặt hàng này, đảm bảo quyền lợi của người nông dân, từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý đã tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm.


Đội quản lý thị trường số 4, kiểm tra cơ sở kinh doanh
tại huyện Tháp Mười

Do diện tích sản xuất rộng, nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật số lượng lớn nên những người dân tại các xã: Mỹ Quý, Mỹ Đông, Mỹ Hòa, Tân Kiều thường có thói quen sau mùa vụ để dành tiền đặt mua hàng trước, bởi tâm lý sợ giá cả lên, xuống thất thường. Do thời gian đặt hàng và sử dụng kéo dài hơn cả tháng, vì vậy hầu hết người mua khi cần mới đến nhận hàng. Việc kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, phân bón của người nông dân chỉ bằng mắt thường và bằng kinh nghiệm lâu năm.

Ông Nguyễn Văn Hậu - xã Mỹ Đông chia sẻ: “Khi mua thuốc nhiều, chủ cửa hàng cũng cho thiếu chịu, tính lãi, đến mùa mới trả, nhưng tôi sợ chi xài hết nên thường đặt cọc tiền để dặn hàng trước. Khi mua thuốc về xài thì đọc chữ ghi bên ngoài bìa, còn bên trong chất lượng thuốc thì tôi không biết”. Không riêng gì ông Hậu, một số người nông dân được hỏi cũng rất mơ hồ về chất lượng thuốc bên trong, mọi thông tin về chất lượng thực sự hầu như trông cậy vào người bán.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực vật tư nông nghiệp. Công tác kiểm tra được thực hiện đồng loạt. 6 tháng đầu năm, tại địa bàn huyện Tháp Mười, Đội quản lý thị trường số 4 kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện, qua đó phát hiện 1 vụ kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng, chuyển UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 55 triệu đồng; 8 vụ kinh doanh đồ điện, máy nông ngư cơ, máy dụng cụ nông nghiệp không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không thực hiện niêm yết giá hàng hóa, ra quyết định xử phạt hơn 10 triệu đồng; 3 vụ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, tạm giữ 17 gói thuốc trọng lượng mỗi gói 100gr hiệu SAHARA 25WP, 36 gói trọng lượng 100gr mỗi gói hiệu PAJERO 30WP, 41 gói ASIMO SUPER 50WP loại 100gr, 13 chai 480ml, 29 chai 1 lít thuốc bảo vệ thực vật hiệu ENSPRAY 99EC.

Ngoài các lỗi vi phạm trên, đội cũng phát hiện trường hợp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật thiếu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sai địa điểm. Hiện tại Đội đang chờ xử lý vụ 69 gói loại 500gr/gói thuốc chế phẩm vi sinh trừ bệnh cây nhãn hiệu TRICO-ĐHCT, 113 gói thuốc trừ sâu sinh học nhãn hiệu AKIDO. Trong tháng 7, Đội quản lý thị trường số 4 tiếp tục lấy 9 mẫu phân bón để gửi mẫu kiểm tra, qua kiểm tra tiếp tục phát hiện có 4 cơ sở vi phạm.

Cùng với công tác kiểm tra, chuyển xử lý vi phạm, Đội quản lý thị trường số 4 sẽ tiếp tục mở các đợt kiểm tra đột xuất theo chuyên đề trọng điểm để xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn