Chính phủ Ấn Độ chú trọng xử lý mối đe dọa do deepfake

Cập nhật ngày: 28/11/2023 14:50:09

Để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của deepfake (công nghệ tạo ra các sản phẩm âm thanh, hình ảnh giả dựa trên trí tuệ nhân tạo), Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin (MeitY) Ấn Độ thông báo cơ quan này đang nghiên cứu các biện pháp mang tính quyết định nhằm ngăn chặn tình trạng lan truyền các video và âm thanh giả mà như thật.


Ảnh minh họa: Reuters

Bộ trưởng Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường các quy tắc và quy định nhằm ngăn chặn sự lan truyền của deepfake.

Dự kiến, chính phủ nước này sẽ công bố kế hoạch rõ ràng và khả thi để chống lại nạn deepfake. Các quy định được soạn thảo dựa trên 4 trụ cột bao gồm phát hiện deepfake; ngăn chặn deepfake; xây dựng cơ chế khiếu nại và báo cáo; và nâng cao nhận thức.

Trao đổi với báo giới, ông Soumen Datta, chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật số, cho rằng việc ngăn chặn deepfake đòi hỏi cách tiếp cận đa hướng. Việc giải quyết các thách thức liên quan đến deepfake đòi hỏi sự kết hợp của các biện pháp pháp lý, công nghệ và xã hội để ngăn chặn và giảm thiểu tác hại do nội dung deepfake gây ra. Ông nhấn mạnh cần phải triển khai các chương trình nâng cao kiến thức truyền thông toàn diện để giáo dục công chúng về sự tồn tại và những rủi ro tiềm ẩn của deepfake. Một khuôn khổ xung quanh việc đào tạo các cá nhân để đánh giá nghiêm túc nội dung truyền thông có thể giúp giảm tác động của thông tin sai lệch.

Trong khi đó, ông Kumar Ritesh, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành của Công ty an ninh mạng Cyfirma, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phối hợp xuyên biên giới. Ông nêu rõ với các quy định mới, nguồn tài trợ cho nghiên cứu và phát triển các phương pháp phát hiện và ngăn chặn deepfake có thể rất quan trọng. Chính phủ Ấn Độ có thể phân bổ vốn để phát triển các công nghệ có thể xác định và giảm thiểu tác động của deepfake.

Ông bày tỏ hy vọng sẽ có sự hợp tác quốc tế rộng rãi hơn vì các mối đe dọa deepfake thường vượt ra ngoài biên giới. Các chính phủ có thể hợp tác ở cấp độ quốc tế để chia sẻ thông tin, các phương pháp hay nhất và phối hợp nỗ lực nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu do công nghệ deepfake đặt ra. Theo ông, Ấn Độ, với nguồn tài năng công nghệ khổng lồ, có khả năng dẫn đầu sáng kiến này.

Theo TTXVN/NDO

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn