“Khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ, mạnh khỏe cho con”

Cập nhật ngày: 08/10/2024 04:52:04

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241008045327dt2-8.mp3

 

ĐTO - Làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Các nội dung giáo dục sức khỏe về Làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu. Trong đó, việc khám thai định kỳ và sinh đẻ tại cơ sở y tế là yếu tố hết sức quan trọng giúp mẹ bầu có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh cho con.

Phụ nữ khỏe mạnh sẽ sinh con khỏe mạnh, hãy khám sức khỏe và tư vấn trước khi mang thai

Đảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho phụ nữ trước khi có thai, cần thực hiện chế độ ăn hợp lý, đa dạng, đủ 4 nhóm thực phẩm (đạm, béo, đường, vitamin và muối khoáng) nhằm đạt chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường từ 18,5 - 24 hoặc có cân nặng ít nhất là trên 40kg. Uống bổ sung viên sắt và acid folic để đề phòng chống thiếu máu do thiếu sắt và thiếu vi chất, sử dụng muối iốt hàng ngày, tẩy giun định kỳ; tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho phụ nữ từ 15 -35 tuổi. Nên tiêm phòng cúm, rubella cho phụ nữ trước khi có thai ít nhất 3 tháng; lao động và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc với các chất độc hại; kiểm tra sức khỏe tổng quát và khám phụ khoa định kỳ 6 tháng; điều trị thích hợp các bệnh lý nội ngoại khoa, phụ khoa, viêm nhiễm đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (nếu có).

Chăm sóc phụ nữ mang thai

Khám thai định kỳ giúp phát hiện nguy cơ và chẩn đoán bệnh sớm cho cả mẹ và con. Để giảm nguy cơ tử vong mẹ và bé, phụ nữ mang thai cần khám thai tại cơ sở y tế ít nhất 4 lần trong 3 giai đoạn của thai kỳ và sinh con tại cơ sở y tế. Trong vòng 3 tháng đầu, ít nhất khám thai 1 lần; trong 3 tháng giữa, khám thai ít nhất 1 lần trong giai đoạn thai từ tháng thứ 4 đến đủ 6 tháng thai kỳ; trong 3 tháng cuối của thai kỳ, khám thai ít nhất 2 lần (từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 8 và trong tháng thứ 9).

Ngoài những lần khám thai định kỳ trên, bà mẹ có thể đi khám bổ sung theo hướng dẫn của cán bộ y tế (phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bà mẹ và thai nhi).

Bà mẹ mang thai hãy tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin để phòng uốn ván cho cả mẹ và con. Vắc-xin phòng uốn ván không có hại cho mẹ và thai nhi. Người chồng và gia đình cần nhắc nhở, giúp đỡ bà mẹ mang thai để được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin phòng uốn ván.

Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng và đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Ăn uống đầy đủ và cân đối các nhóm thực phẩm: tinh bột (gạo, khoai, bắp...); chất đạm (thịt, cá, trứng...); chất béo (dầu, mỡ, các hạt có dầu...); vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ...).

Ăn tăng bữa, mỗi bữa ăn nhiều hơn, đặc biệt vào 3 tháng cuối thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ, nhu cầu phát triển của thai nhi và dự trữ năng lượng để tạo sữa nuôi con sau sinh. Uống đủ nước (sữa, nước hoa quả, nước đun sôi để nguội) mỗi ngày từ 1,5 - 2 lít; không sử dụng rượu, bia, trà đậm, cà phê, thuốc lá...; bổ sung vi chất (uống viên sắt và acid folic hoặc viên đa vi chất hàng ngày từ khi có thai đến sau sinh 1 tháng, dùng muối iốt hàng ngày để chế biến thức ăn); thực hiện các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, không ăn các thực phẩm ôi thiu; làm việc nhẹ nhàng, không tiếp xúc với hóa chất độc hại; duy trì vận động thể chất, tăng cường sức khỏe; có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhàng, hợp lý, ngủ đủ hoặc ít nhất 8 tiếng mỗi ngày...

Chăm sóc bà mẹ khi chuyển dạ

Tất cả bà mẹ mang thai cần sinh con tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Gia đình cần chuẩn bị phương tiện, tiền, các vật dụng cần thiết cho cuộc đẻ; đưa bà mẹ đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển dạ (đau bụng từng cơn tăng dần, ra dịch hồng hoặc ra nước ở âm đạo); không nên sinh tại nhà vì không đảm bảo công tác vô khuẩn và không đầy đủ phương tiện để xử trí cấp cứu khi có tai biến xảy ra; nếu không đến kịp cơ sở y tế khi chuyển dạ, cần báo ngay cán bộ y tế, hộ sinh đến để hỗ trợ bà mẹ đẻ tại nhà và sử dụng gói đỡ đẻ sạch. Người chồng và gia đình cần nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm của bà mẹ trong khi sinh, động viên tinh thần giúp bà mẹ yên tâm vượt qua cuộc đẻ.

Để giảm nguy cơ tử vong mẹ và bé:

Bà mẹ mang thai cần khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong 3 giai đoạn của thai kỳ.

Bà mẹ cần đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu không bình thường khi mang thai như: ra máu từ cửa mình hoặc đau bụng; phù mặt, chân, tay; nhìn mờ hoặc đau đầu nhiều; sốt cao trên 38,5 độ C; thấy xanh xao, mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở; ra nước ối mà không có cơn đau đẻ; có cơn ngất hoặc co giật...

Chuẩn bị cho việc sinh con: lựa chọn nơi sinh an toàn (sinh tại cơ sở y tế phù hợp với tình trạng sức khỏe của bà mẹ và thai kỳ; có thể tham khảo ý kiến của cán bộ y tế); chuẩn bị sẵn hồ sơ, giấy tờ khám thai, giấy tờ tùy thân cũng như kinh phí đi sanh; sẵn sàng phương tiện vận chuyển để có thể đưa ngay bà mẹ đến cơ sở y tế đã lựa chọn khi có dấu hiệu chuyển dạ; số điện thoại của hộ sinh xã, huyện, cấp cứu sản và phương tiện vận chuyển có sẵn tại địa phương để tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần; gần đến ngày sinh, nếu nhà ở xa cơ sở y tế và đường đi lại không thuận tiện thì gia đình nên đưa bà mẹ mang thai đến nơi ở tạm gần cơ sở y tế đã chọn hoặc liên hệ và xin nằm chờ sinh tại cơ sở y tế.

Chăm sóc bà mẹ sau sinh

Ngay sau sinh: đặt trẻ da kề da với mẹ và cho trẻ bú mẹ ngay trong giờ đầu sau sinh; bà mẹ được chăm sóc tại cơ sở y tế ít nhất 24 giờ; nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc; theo dõi sản dịch để sớm phát hiện chảy máu sau sinh, nếu thấy ra máu đỏ tươi hoặc có máu cục cần báo ngay cho cán bộ y tế hoặc đưa ngay bà mẹ đến cơ sở y tế.

Trong 6 tuần đầu sau sinh (42 ngày đầu): ăn tăng số lượng, đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước (2 lít/ngày); uống viên sắt và acid folic theo hướng dẫn của cán bộ y tế; không làm việc nặng, chỉ vận động thể chất phù hợp; ngủ ít nhất 8 tiếng/ ngày; hãy chia sẻ tâm tư, tình cảm với người thân trong gia đình, đừng ngại khi cần giúp đỡ.

BS CKI Nguyễn Thị Xuân Quyên -Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn