Chăm sóc thai kỳ đúng cách để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và con
Cập nhật ngày: 30/12/2023 11:49:34
ĐTO - Phụ nữ mang thai cần được khám thai định kỳ để phát hiện các yếu tố nguy cơ, tránh tai biến cho mẹ và con. Do vậy, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ khi mang thai là điều đặc biệt quan trọng đối với cả bà mẹ lẫn thai nhi.
Theo các chuyên gia y tế, trong quá trình mang thai, nếu các bà mẹ có kế hoạch khám, quản lý thai nghén ngay từ sớm sẽ giúp nắm bắt rõ quá trình thai phát triển khỏe mạnh, qua đó bác sĩ sẽ nắm chắc tình trạng sức khỏe bà mẹ và thai nhi, để tiên lượng và chuẩn bị tốt việc sinh con, đề phòng những nguy cơ khi chuyển dạ.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ, chị Nguyễn Thị Nết (32 tuổi) ngụ xã Phú Thành A, huyện Tam Nông thường xuyên đến khám thai tại Phòng khám Đa khoa Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp. Chị Nguyễn Thị Nết cho biết: “Tôi mang thai được 7 tháng, từ đầu thai kỳ đến nay, thường đến phòng khám để khám thai định kỳ. Được bác sĩ tư vấn về chăm sóc sức khỏe và chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc khi mang thai, tôi thấy an tâm hơn. Đi khám thai thường xuyên để theo dõi tình hình sức khỏe của mẹ và em bé được tốt hơn”.
Theo quy định của Bộ Y tế, thai phụ tối thiểu phải khám thai 4 lần trong quá trình mang thai. Lần thứ nhất khi có thai trong 3 tháng đầu: khám ít nhất 1 lần; lần thứ 2 vào 3 tháng giữa: khám ít nhất 1 lần (lúc 20 - 24 tuần); 2 lần tiếp theo vào 3 tháng cuối: khám ít nhất 2 lần. Ngoài 4 lần khám kể trên, bà mẹ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường như: đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt...
Cử nhân hộ sinh Phòng khám Đa khoa Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Đồng Tháp siêu âm thai cho sản phụ
Bên cạnh đó, để tối ưu hóa việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, lịch khám thai thực tế được khuyến cáo nhiều hơn: Trong 3 tháng đầu nên khám thai ít nhất 2 lần, lúc trễ kinh khoảng 2-3 tuần (thai khoảng 6 -7 tuần); lần kế tiếp lúc thai 11 - 13 tuần; 3 tháng giữa khám 2 lần hoặc mỗi tháng 1 lần; 3 tháng cuối: 1 - 2 lần mỗi tháng và tháng cuối cùng khám mỗi tuần 1 lần.
Trong các lần khám thai, thai phụ được kiểm tra sức khỏe bằng các xét nghiệm: Công thức máu, sinh hóa máu, miễn dịch (HIV, viêm gan B), gian mai, nước tiểu, siêu âm,...; theo dõi về cân nặng của mẹ, đo tim mẹ, tim thai, huyếp áp mẹ, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi. Khi khám thai thai phụ còn được thực hiện các xét nghiệm tầm soát dị tật ở thai nhi và những bệnh lý lên quan thai kỳ.
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Cách chăm sóc sức khỏe trong thời gian mang thai rất quan trọng, giúp bà mẹ có tình trạng sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng tốt khi mang thai, giảm nguy cơ tai biến sản khoa và tử vong liên quan thai sản. Với thai nhi, giúp thai nhi có cơ hội phát triển tốt ngay trong thời kỳ bào thai, giảm nguy cơ suy dinh dưỡng, nguy cơ tử vong sơ sinh, tạo khởi đầu cho sự phát triển toàn diện của bé”.
Hiện việc khám thai định kỳ và quản lý thai nghén đã được nhiều chị em quan tâm. Tuy nhiên cũng có một số người chưa nhận biết được đầy đủ quy trình khám thai ở những mốc quan trọng, vì thế rất khó có thể tầm soát được những nguy cơ từ mẹ và bé. Đã có nhiều trường hợp bị lưu thai ở tuần thứ 38, 39 của thai kỳ do không được phát hiện những bất thường kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ: “Khi mang thai nếu thai phụ không đi khám thai định kỳ sẽ không theo dõi được sức khỏe của mình, không phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý sẵn có hoặc bệnh lý liên quan đến thời kỳ thai sản như: tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ; bỏ qua cơ hội được đánh giá sự phát triển của thai nhi; không theo dõi được sự phát triển của thai có phù hợp hay không; bỏ qua việc tầm soát và phát hiện các dị tật bẩm sinh, bất thường nhiễm sắc thể; không được điều trị dự phòng những bệnh lây truyền từ mẹ sang con… Điều đó, sẽ để lại hậu quả cho sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Nặng nề nhất, là gia tăng tỷ lệ tử vong cho mẹ cũng như tử vong ở trẻ sơ sinh”.
Bác sĩ Hương khuyên: Cùng với khám thai định kỳ, phụ nữ khi mang thai cần tuân theo các tư vấn của bác sĩ sản khoa về dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, khoáng chất, uống viên sắt hoặc đa vi chất, can xi theo khuyến cáo của cán Bộ Y tế; tiêm ngừa đầy đủ. Đồng thời cần thực hiện lối sống, sinh hoạt lành mạnh nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân và thai nhi trong suốt quá trình mang thai.
SÔNG NGÂN - KHÔI NGUYÊN - HOÀI THẢO