Chủ động diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Cập nhật ngày: 23/08/2024 14:32:50
ĐTO - Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, tính đến ngày 18/8, toàn tỉnh ghi nhận 976 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH). Bệnh xuất hiện tại 12/12 huyện, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại TP Cao Lãnh (239 ca) và huyện Cao Lãnh (198 ca). Hiện nay đang vào mùa mưa, mùa thuận lợi cho bệnh SXH tăng mạnh và có thể bùng phát trên diện rộng. Để kiểm soát dịch bệnh, ngành y tế Đồng Tháp đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa.
TP Cao Lãnh là đơn vị có số ca mắc SXH cao nhất trên địa bàn tỉnh, với 239 ca, tăng hơn 100 ca so với cùng kỳ năm 2023; ngành y tế thành phố đã phát hiện và xử lý 123 ổ dịch. Các địa phương có bệnh SXH tăng là Phường 4, Phường 6, Mỹ Tân, Hòa An...
Em Trần Trọng Khang (20 tuổi) ngụ ấp Đông Bình, xã Hòa An, TP Cao Lãnh bị SXH, nhập viện điều trị tại Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, cho biết: “Em học ở Cần Thơ, về quê nghỉ được mấy ngày, rồi đột nhiên xuất hiện triệu chứng sốt cao, em tự mua thuốc uống điều trị tại nhà không khỏi nên phải nhập viện. Bác sĩ cho làm xét nghiệm máu và kết quả là bị SXH. Trước đó, trong xóm cũng có mấy ca mắc bệnh SXH”.
Bác sĩ chuyên khoa I Dương Hưng - Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh, cho biết: “Nguyên nhân dịch SXH tăng là do thay đổi theo chu kỳ dịch 3 - 5 năm. Thời điểm hiện tại, mưa liên tục nhiều ngày làm ứ đọng nước, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển”.
Những ngày qua, TP Cao Lãnh phát động phong trào phòng, chống SXH trong đảng viên, công chức, viên chức, Nhân dân; lực lượng y tế thành phố triển khai thực hiện Chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống SXH cho những đơn vị có ca mắc tăng vượt trung bình 5 năm. Theo đó, lực lượng y tế xuống hộ gia đình vận động diệt lăng quăng, tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, phát tờ rơi, tờ cam kết diệt lăng quăng.
Cán bộ y tế xã Hòa An (TP Cao Lãnh) xuống hộ gia đình hướng dẫn các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng và cho ký cam kết diệt lăng quăng
Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh chỉ đạo Trạm y tế xã, phường xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch bùng phát ra diện rộng. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới.
Bà Đinh Thị Thu ngụ Tổ 13, ấp Đông Bình, Xã Hòa An, TP Cao Lãnh, cho biết: “Thời gian gần đây trên địa bàn xã Hòa An ghi nhận nhiều bệnh nhân SXH, do đó, lực lượng y tế địa phương đã xuống hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, phát tờ rơi, ký cam kết diệt lăng quăng”.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Tùng - Trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp: “Mọi người nên nghĩ đến bệnh SXH khi có các dấu hiệu: sốt cao 39 - 40 độ C, sốt đột ngột và liên tục từ 2 - 7 ngày; xuất huyết với biểu hiện: chấm xuất huyết ở da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, bầm tím chỗ tiêm; đau bụng (do gan bị sưng to); trụy mạch (sốc): ngày thứ 3 - 6, trẻ hết sốt nhưng li bì hoặc bứt rứt, lạnh chân tay, tím môi, tiểu tiện ít. Trẻ sốt cao liên tục trên 2 ngày phải khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh”.
Bác sĩ Lê Thanh Tùng khuyến cáo cách xử trí khi trẻ mắc SXH: hạ sốt bằng cách cho uống paracetamol, lau mát bằng nước ấm; khuyến khích trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; tránh thức ăn, nước uống có màu đen, đỏ, nâu. Đưa trẻ đến khám lại theo lời dặn của bác sĩ hoặc ngay khi có dấu hiệu bệnh tiến triển nặng. Chú ý, không nên cho trẻ uống aspirin vì dễ gây xuất huyết. Không chích lể, kiêng cữ ăn uống; không quấn trẻ bằng nhiều quần áo khi đang sốt cao. Phải đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay khi trẻ có các dấu hiệu bệnh tiến triển nặng như: trẻ hết sốt nhưng bứt rứt, lừ đừ, tay chân lạnh, vã mồ hôi; nôn nhiều, đau bụng; nôn ra máu, đi ngoài ra máu, chảy máu mũi, chảy máu chân răng.
Cách phòng bệnh SXH tốt nhất là bảo vệ tránh không bị muỗi đốt: ngủ màn, không cho trẻ chơi ở những chỗ tối, đuổi muỗi (đốt nhang muỗi, xịt muỗi), mặc quần áo dài tay, dùng kem thoa chống muỗi; diệt muỗi và lăng quăng bằng cách phun thuốc diệt muỗi, dọn dẹp những chỗ muỗi đậu, ẩn náu như dây treo, nơi treo quần áo, chỗ tối; diệt lăng quăng bằng cách đậy nắp lu hồ, thùng chứa nước, súc rửa lu hồ thường xuyên, dọn chỗ đọng nước trong và quanh nhà, thả cá bảy màu ăn lăng quăng.
Để chủ động phòng, chống SXH, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường báo cáo vào thứ Năm hàng tuần. Đồng thời chỉ đạo các bệnh viện Đa khoa trên địa bàn toàn tỉnh phải bình bệnh án hàng tuần để các bác sĩ chẩn đoán điều trị SXH; tăng cường thông tin để người dân nâng cao ý thức diệt lăng quăng, vệ sinh các dụng cụ chứa nước hàng tuần.
Sông Ngân