Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh cúm, sởi
Cập nhật ngày: 13/02/2025 08:26:20
ĐTO - Để chủ động công tác phòng, chống bệnh cúm mùa, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Sở Y tế đề nghị sở, ban, ngành tỉnh phối hợp cùng ngành y tế thực hiện hoạt động thông tin truyền thông và các biện pháp phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
>> [Infographic] Phòng bệnh cúm mùa
Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Công thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ chỉ đạo các cơ sở, đơn vị trực thuộc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo vệ sinh môi trường, theo dõi sức khỏe của người lao động, trẻ em, học sinh và hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân.
Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh phối hợp với cơ sở y tế trong việc tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
UBND huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo y tế địa phương và đảm bảo nguồn kinh phí, huy động sự tham gia của đoàn thể các cấp để triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là việc triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn. Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực triển khai thực hiện biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng tại địa phương.
Đối với các cơ sở y tế, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 116 ngày 14/11/2024 và tổ chức triển khai hiệu quả tiêm chủng chống dịch sởi theo Kế hoạch ban hành tại Quyết định số 3526 ngày 22/11/2024 và Quyết định số 271 ngày 22/1/2025 của Bộ Y tế, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng để nhanh chóng kiểm soát tình hình. Thông tin truyền thông, khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc xin phòng cúm; tiêm vắc xin có thành phần sởi, rubella đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm đầu mối theo dõi diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, các vùng lân cận và trên cả nước; kịp thời thông tin truyền thông, tham mưu Sở Y tế và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Theo dõi tiến độ, giám sát và đôn đốc việc thực hiện các hoạt động tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin phòng bệnh sởi, tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong, nhất là đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người bệnh tại khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật... Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị và phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Trung tâm Y tế huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút. Đồng thời chỉ đạo Trạm Y tế trực thuộc khẩn trương thực hiện rà soát đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét an toàn, hiệu quả cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin phòng bệnh sởi; tiếp tục duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ.
T.NG