Nhiều kết quả khả quan qua thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Cập nhật ngày: 21/09/2023 10:34:23
ĐTO - Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Đồng Tháp đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia và quyết liệt đưa các quy định của Luật này vào cuộc sống. Qua đó, mang lại nhiều kết quả khả quan.
Một tiết mục biểu diễn tại lễ phát động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5
Xây dựng môi trường không khói thuốc
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên về tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe con người và tích cực thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá; vận động các sở, ngành, địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai thực hiện môi trường không khói thuốc lá.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động không hút thuốc lá tại nơi làm việc, triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các buổi sinh hoạt của cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể thông qua các buổi họp chi bộ, công đoàn. Đồng thời đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế làm việc, gắn tiêu chí xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc với xét công nhận cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm túc quy định “Không hút thuốc lá tại nơi làm việc”.
Các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá được triển khai đa dạng dưới nhiều hình thức. Các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy chính quyền các cấp đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí tỉnh, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng tin, bài, phóng sự, tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn liên quan; thường xuyên đăng tải trên trang thông tin điện tử của các đơn vị về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, đăng các tin bài về phòng, chống tác hại của thuốc lá và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hiền - Trưởng Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp cho biết, tại các cơ sở y tế, tình trạng hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế đã giảm mạnh so với trước đây. Ngành y tế đã tổ chức triển khai ký cam kết “Bệnh viện không khói thuốc”. Tại tất cả các cơ sở y tế đều có các biển hiệu: “Cấm hút thuốc lá”. Cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế. Một số đơn vị còn tăng cường phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức như: lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá vào sinh hoạt Câu lạc bộ đờn ca tài tử; đưa hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vào tiêu chí thi đua.
Cùng với việc xây dựng môi trường không thuốc lá tại cơ quan hành chính của tỉnh, ngành giáo dục đã thực hiện nghiêm quy định xây dựng mô hình “Trường học không khói thuốc lá”, đưa kết quả hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vào tiêu chí thi đua của từng trường học. 100% các cơ sở giáo dục tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh ký cam kết không hút thuốc lá tại nhà trường. Tất cả trường học phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với gia đình, Đoàn thanh niên, Công đoàn trong nhà trường và các lực lượng xã hội để thực hiện việc cấm học sinh hút thuốc lá, không cho phép bán thuốc lá ở cổng trường và không bán thuốc lá cho học sinh phổ thông.
Đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình, giải pháp hay được nhân rộng, hiệu quả lan tỏa cao trong cộng đồng. Điển hình: “Môi trường không khói thuốc lá”, “Gia đình không khói thuốc lá”, “Cơ quan không khói thuốc lá”, “Bệnh viện không khói thuốc lá”... Thông qua các mô hình, ý thức phòng, chống tác hại của thuốc lá của người dân ngày càng nâng cao; tỷ lệ người hút thuốc lá ngày càng giảm, nhiều tin báo về tình trạng buôn lậu thuốc lá đã giúp cơ quan quản lý kịp thời truy quét, kiểm tra xử lý. Giai đoạn 2013 - 2023, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 448 vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu, tổng số tiền xử phạt trên 2,8 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, người hút thuốc lá rất khó bỏ ngay cả khi biết rất rõ về tác hại của việc hút thuốc; thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, giá thuốc lá rẻ và được bày bán khắp nơi làm tăng khả năng mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác cai nghiện thuốc lá. Trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Shisha) được quảng cáo là ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường và giúp cai nghiện thuốc lá điếu... điều này gây hiểu nhầm cho người sử dụng, làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm người trên 15 tuổi.
Tuy Đồng Tháp đã có nhiều nỗ lực để đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào cuộc sống, song tỷ lệ người hút thuốc tại nơi công cộng, nơi làm việc, nơi có quy định cấm vẫn còn khá cao. Đa số người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây bệnh lý nghiêm trọng, có thể gây ra cả 3 bệnh: ung thư phổi, đau tim và đột quỵ. Nhưng rất nhiều người hút thuốc lá vẫn coi đây là hành vi bình thường. Do vậy, cần phải nghiêm túc thực thi các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ra quân tuyên truyền các quy định về các địa điểm cấm hút thuốc lá
Tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng
Mặc dù tỷ lệ hút thuốc ở nước ta có giảm nhưng Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Do vậy, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt động để tuyên truyền, can thiệp giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trong cộng đồng.
Để tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, các ngành, các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong đó, tập trung các nội dung quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn, nhà hàng, bến tàu, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng; biên soạn và cấp phát tài liệu truyền thông như: tờ rơi, áp-phích, pa-nô, biển cấm hút thuốc lá cho các cơ quan, đơn vị và duy trì hiệu quả mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các cơ quan, đơn vị, công ty kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cơ quan, đơn vị; tổ chức các chiến dịch truyền thông để phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến người dân, học sinh, sinh viên... bằng nhiều hình thức như: nói chuyện trực tiếp, mít-tinh, hội thi, hội thảo hoặc lồng ghép với các buổi sinh hoạt chuyên đề về các bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi... Đồng thời phát triển mạng lưới và nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua các lớp tập huấn, đào tạo, hội thảo và các hình thức khác; có chế độ chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích sự tham gia của cán bộ làm công tác xã hội, cộng tác viên tại cộng đồng vào hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá; thực hiện xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định theo Nghị định số 117 ngày 28/9/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Sông Ngân