Phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 3 tuổi bị lõm ngực nặng

Cập nhật ngày: 15/07/2023 05:41:16

Ngày 14/7, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức họp báo thông tin về ca phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi nhỏ tuổi bị lõm ngực nặng với độ lõm ngực lên đến 9cm. Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ trước đến nay.


Hiện nay, sức khỏe của bệnh nhi ổn, đã được ra viện; dự kiến khoảng 1,5 đến 2 năm, bé sẽ được rút thanh nâng ngực

Bệnh nhi là bé gái B.K.N.T. (37 tháng tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận) nhập viện trong tình trạng khó thở, viêm phổi nặng. Trước đó, bệnh nhi nhập viện điều trị nhiều lần tại bệnh viện địa phương nhưng tình trạng viêm phổi, khó thở tái đi tái lại nhiều lần.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ xác định, bé gái bị lõm ngực nặng. “Nếu độ lõm ngực đo được từ 3cm được xác định là lõm ngực nặng thì của bé gái B.K.N.T. là trên 9cm, tức gấp 3 lần so mức lõm ngực nặng. Phần lõm ngực của bé gái có thể đặt vừa một quả trứng ngỗng”, bác sĩ Đào Trung Hiếu, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 thông tin.

Đây cũng là lý do khiến cho phổi của bé bị chèn ép dẫn đến khó thở.

Qua thăm khám, các bác sĩ còn phát hiện bên phổi phải của bé gái có kén khí, dẫn đến viêm phổi tái phát nhiều lần. Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, thông thường với các bệnh nhi bị dị tật lõm ngực sẽ chờ đến 8 tuổi mới thực hiện phẫu thuật nhưng với bệnh nhi này, các bác sĩ buộc phải phẫu thuật sớm bởi tim, phổi đã bị chèn ép. Nếu không phẫu thuật kịp thời thì không chỉ phổi có vấn đề mà tim bị chèn ép cũng sẽ bị hở van tim.

Bác sĩ Đặng Khải Minh - Khoa Chấn thương chỉnh hình, cho biết, trước đây những ca mổ ngực lõm chỉ mất khoảng 1,5 giờ, hầu như bệnh nhân không thở máy, chỉ theo dõi tại khoa Hồi sức 6 - 12 giờ, sau đó ăn uống bình thường.

Tuy nhiên, bệnh nhi này kèm theo viêm phổi tái phát nhiều lần và lõm ngực trên bệnh nhân quá nhỏ tuổi nên mổ 3 giờ, phải thở máy 2 ngày.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ cũng gặp nhiều khó khăn do độ lõm ngực của bệnh nhi quá nặng. Khoảng cách giữa xương ức và cột sống quá gần buộc các bác sĩ phải tìm cách luồn lách dụng cụ phẫu thuật làm sao để không ảnh hưởng các cơ quan nội tạng khác.

Chị K.N.T.K. mẹ bệnh nhi, cho biết, sau phẫu thuật, bé gái ăn uống tốt hơn, không còn tình trạng thở mệt, lúc ngủ không còn phải kê cao gối như trước đây.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, mỗi năm, bệnh viện phẫu thuật khoảng 100 ca mắc các hội chứng này. Để phù hợp thời gian nghỉ ngơi, học tập, các bác sĩ và gia đình thường sắp xếp điều trị cho các bé vào dịp nghỉ hè.

Riêng tháng 6/2023, bệnh viện đã phẫu thuật hơn 50 ca lõm ngực, trung bình mỗi ngày 3 - 4 ca. Trẻ sau phẫu thuật sẽ sinh hoạt bình thường, giúp chất lượng sống tốt hơn trước.

Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ mắc dị tật lõm ngực nên được khám chuyên khoa để xác định hướng can thiệp. Nếu không ảnh hưởng các cơ quan nội tạng, trẻ sẽ được hỗ trợ cách tập luyện, tâm lý trong thời gian chờ đến tuổi phẫu thuật tốt nhất.

Theo YẾN NGỌC-TRUNG KIÊN (NDO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn