Tác hại khôn lường từ thuốc lá điện tử

Cập nhật ngày: 03/08/2024 14:07:07

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240803020846dt2-8.mp3

 

ĐTO - Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) ở giới trẻ hiện ngày càng gia tăng. Tại Đồng Tháp, học sinh sử dụng TLĐT, TLNN có dấu hiệu tăng, thực trạng này báo động thuốc lá thế hệ mới (TLĐT, TLNN) len lỏi vào trường học, gây ra những tác hại khôn lường cho giới trẻ...


Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Hiền - Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử cho sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp

THUỐC LÁ THẾ HỆ MỚI XÂM NHẬP GIỚI TRẺ

Kết luận tại phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại TLĐT, TLNN của Ủy ban Xã hội của Quốc hội ngày 4/5/2024 đưa ra đánh giá chung về việc sử dụng TLĐT, TLNN tại Việt Nam: Tỷ lệ sử dụng TLĐT, TLNN ngày càng tăng, nhất là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Theo đó, tỷ lệ hút TLĐT ở người từ 15 tuổi trở lên giai đoạn 2015 - 2020 tăng 18 lần (từ 0,2 - 3,6%), cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24 (7,3%); tỷ lệ sử dụng trong học sinh ở nhóm tuổi 13 - 17 tăng từ 2,6% (năm 2019) lên 8,1% (năm 2023); ở nhóm 13 - 15 tuổi, năm 2023, tỷ lệ này là 8% và đang tăng hơn gấp đôi so với năm 2022 (3,5%); 1,8% học sinh đã từng sử dụng TLĐT (2,8% ở nam và 0,8% ở nữ)...

Kết luận trên khẳng định có tình trạng lợi dụng TLĐT, TLNN để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Năm 2022, toàn quốc đã phát hiện bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng “núp bóng” thực phẩm, đồ ăn, TLĐT; trong đó có 32 vụ với 58 đối tượng về hành vi tẩm ướp ma túy vào thảo mộc, TLĐT; thu giữ 124,1kg và 40,7 lít dung dịch có chứa chất ma túy pha trộn vào thuốc lá điếu, tinh dầu TLĐT, TLNN. Quý I/2024, Công an cả nước phát hiện, xử lý 111 vụ, 152 đối tượng liên quan đến TLĐT, TLNN, trong đó có 33 vụ với 73 đối tượng bị khởi tố do phạm tội về ma túy, còn lại bị xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.

Tại tỉnh Đồng Tháp, có hiện tượng một số học sinh độ tuổi THCS, THPT hút TLĐT ở các quán cà phê, công viên. Câu hỏi đặt ra là mặt hàng bị cấm vì sao đến tay các em?

Qua tìm hiểu, đa phần các em do hiếu kỳ bởi mùi vị và sự tiện lợi của TLĐT. Các sản phẩm TLĐT, TLNN được quảng cáo, mua bán tràn lan trên không gian mạng, nội dung, hình ảnh, tác dụng thiếu kiểm chứng nhưng lại được đăng tải công khai thông qua các ứng dụng phổ biến (Facebook, Tiktok, Zalo...), dẫn đến tình trạng thanh, thiếu niên dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm TLĐT, TLNN, với sự đa dạng về mẫu mã (được thiết kế dưới dạng bút, usb, son môi, hộp sữa, đồ chơi...), giá cả, việc mua bán thuốc lá dễ dàng và phổ biến qua mạng Internet, các trang mạng xã hội cá nhân, trao đổi, mua bán trên hội, nhóm, dẫn tới rất khó quản lý, kiểm soát.


Thông tin về thuốc lá điện tử được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, ngành chức năng khó kiểm soát

“CẠM BẪY HƯƠNG VỊ” VÀ NHỮNG TÁC HẠI KHÔN LƯỜNG

Học sinh trong độ tuổi từ 12 - 15 tuổi, các em thường thích khám phá những điều mới lạ. TLĐT, TLNN là thứ các em muốn “thử” vì hiếu kỳ, muốn khẳng định mình. Trong khi đó, theo chuyên gia y tế, TLĐT, TLNN độc hại và mang đến nhiều hệ lụy.

Đa phần các học sinh THCS, THPT dù đã hiểu rõ tác hại của TLĐT, TLNN nhưng vẫn sử dụng bởi TLĐT, TLNN được rao bán trên mạng xã hội với những lời giới thiệu hấp dẫn. Theo chia sẻ của em M.T. - học sinh lớp 12 Trường THPT T.N.: Hiện nay, rất nhiều bạn cùng trường sử dụng TLĐT, nam, nữ đều có; so với thuốc lá điếu thông thường thì TLĐT có vị ngọt, có mùi thơm. Cũng theo em M.T., vì sợ nhà trường phát hiện sẽ bị phạt, hạ hạnh kiểm rất nặng, nên thường các em sẽ vào nhà vệ sinh hút lén. TLĐT cũng dễ mua, chỉ cần lên mạng xã hội chọn loại phù hợp túi tiền và đặt hàng, người bán sẽ giao tận nơi. Loại Pod (dụng cụ hút thuốc) xài một lần có giá từ vài chục ngàn đến 200.000 đồng, loại dùng tinh dầu nhiều lần khoảng 300.000 đồng đến 1 triệu đồng, giá tinh dầu chỉ khoảng 150.000 đồng.

Đa phần học sinh sử dụng TLĐT có cùng nhận xét, do TLĐT có thể hút được nhiều lần, không có mùi hôi như thuốc lá điếu, đặc biệt có thể chọn nhiều mùi khác nhau nên thích sử dụng.

Hiện chưa có thống kê cụ thể về việc có bao nhiêu trẻ vị thành niên ở Đồng Tháp đã từng hút thuốc lá. Em N.V.A. ngụ Phường 1, TP Cao Lãnh, nói: Các bạn hút TLĐT ngoài trường học, ở những nơi kín nên các thầy, cô giáo và bố mẹ không biết, khó phát hiện. Cũng theo N.V.A. chỉ cần có tiền là mua được thuốc lá thế hệ mới trên mạng xã hội.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phan Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, cấu tạo của TLĐT bao gồm bộ phận pin, sạc, bộ phận gia nhiệt, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử. Dung dịch này thường chứa Nicotine, chất tạo hương, Propylene glycol và Glycerin thực vật. Ngoài ra, trong TLĐT còn có hương liệu tạo mùi hấp dẫn. Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành Propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng. Do đó, sẽ làm người sử dụng nghiện, lâu ngày có thể gây ra các bệnh lý về tim mạch, ung thư phổi, ngộ độc.


Đội diễu hành tuyên truyền “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” năm 2024 tại TP Cao Lãnh

Các chuyên gia cảnh báo những tác hại của việc sử dụng TLĐT đến sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự, môi trường như: tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, làm suy giảm sự trưởng thành não bộ, giảm khả năng học tập, năng suất lao động và ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh, thiếu niên; gây cháy, nổ, thương tích khi thiết bị điện tử hỏng, lỗi. Ngoài ra, còn tạo gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội; dễ bị lợi dụng để tẩm ướp, pha trộn ma túy, các chất gây nghiện, dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội; gia tăng ô nhiễm môi trường do rác thải điện tử của TLĐT, TLNN nhất là với thiết bị sử dụng một lần.

Do vậy, để ngăn chặn giới trẻ không sử dụng thuốc lá thế hệ mới là rất cần thiết. Theo đó, việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ để con em mình không “nghiện” thuốc lá thế hệ mới là việc mà các bậc phụ huynh phải thực hiện thường xuyên. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường. Đặc biệt, các trường học cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để học sinh tránh xa các loại thuốc lá, nhất là thuốc lá thế hệ mới.

SÔNG NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn