"Nghệ thuật" dùng tiền đạo của Mancini

Cập nhật ngày: 28/12/2012 18:56:39

Sau trận thua chua chát trên sân Sunderland, Mancini đã trút những lời lẽ rất không hay lên hàng công của mình.

Không hiểu liệu nhà chiến lược cũng xuất thân là một tiền đạo cự phách này có bao giờ tự hỏi, rằng tại sao các chân sút đắt giá mà ông đưa về Man City thường chỉ chơi tốt trong 1 hoặc tối đa là 2 mùa giải rồi tịt ngóm?


Hình ảnh này đang thưa dần

Gương mặt góp công lớn bậc nhất trong chức VĐQG Anh mùa giải năm ngoái của Man City là Sergio Aguero. Bản hợp đồng trị giá 38 triệu bảng từ Atletico đã tỏa sáng rực rỡ ngay ở mùa giải ra mắt trong màu áo "The Citizens" với 23 bàn thắng và 8 đường kiến tạo sau 31 lần ra sân tại giải Ngoại hạng.

Trên mọi đấu trường, thành tích của Aguero là chẵn 30 bàn. Mùa này, con rể cũ của Maradona sa sút hẳn với vỏn vẹn 6 bàn và 1 pha kiến tạo sau 19 vòng đấu của Premier League.

Đồng hương của Aguero, Carlos Tevez "bền bỉ" hơn với 2 năm liền đóng vai trụ cột tại sân Etihad (ghi tới 52 bàn trong 2 mùa giải đầu tiên). Chỉ có điều, Tevez của 2 mùa giải vừa qua chủ yếu được nhắc đến theo tư thế của một kẻ phản loạn.

Tại các CLB trước của mình, Tevez cũng có đôi lần làm BHL phật ý nhưng chưa bao giờ làm gì quá đà để bị treo giò nội bộ hàng tháng trời như ở Man City. Dưới chính sách quản lý của Mancini, các tiền đạo áo xanh quả thực thích gây hấn hơn là thực thi nhiệm vụ đưa bóng vào lưới đối phương.

Đừng nói những kẻ bất đồng cả về văn hóa lẫn ngôn ngữ như Tevez và Aguero, ngay đến cục cưng Balotelli cũng liên tục có hành động, phát ngôn khiến Mancini bẽ mặt.

Chẳng cần phải đếm, ai nấy thừa biết số pha ăn mừng của Balotelli chắc chắn kém xa so với số lần vi phạm kỷ luật hoặc phản ứng tiêu cực với chỉ thị từ lãnh đạo của cầu thủ có biệt danh "Bad Boy".

Mancini thiếu công bằng hay có vấn đề trong cách huấn luyện? Có lẽ chỉ những người thực sự gần gũi với vị HLV hay lèm bèm này mới hiểu tường tận.

Còn với giới quan sát, không khó nhận thấy rằng Mancini không nhận được sự tin tưởng hay kính trọng từ phía các học trò như nhiều ông thầy khác, kể cả một người khét tiếng khó chịu như Louis van Gaal.

Thế nên chả trách Adebayor chỉ trụ lại Man City hơn 1 năm rồi lặn mất. Sau Adebayor, Mancini rước về Edin Dzeko. Y hệt những người đi trước, tuyển thủ Bosnia chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc tại Etihad.

Trước khi gia nhập đoàn quân hùng hậu của vùng Eastlands, từ Dzeko, Tevez cho tới Santa Cruz đều được liệt vào hàng có số má. Và đám nam nhi đại trượng phu ấy cứ xỉu dần trong tiếng rên rỉ không ngớt của Mancini.

(Theo datviet)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn