Tennis: Sứ mệnh của nhóm “M4”

Cập nhật ngày: 12/02/2013 13:49:15

Ai trong số các tay vợt Ferrer, Tsonga, Berdych và Del Potro đủ sức để lọt vào nhóm bốn tay vợt hàng đầu thế giới, “Big 4”?

Họ dù rất tài năng nhưng cũng giống như số đông còn lại đều sống dưới cái bóng của sự thống trị của các tay vợt trong nhóm Big 4 là Federer, Nadal, Djokovic và bây giờ có thêm Murray.
Họ thậm chí còn bị khắc chế, nếu như không phải là bị “vùi dập”, một cách rõ ràng hơn rất nhiều so với sự cạnh tranh giữa các nhóm tay vợt từ các giai đoạn trước đây.


Chen chân vào bộ tứ quyền lực là điều không dễ

Họ nếu muốn giành thành tích, thâu tóm các danh hiệu, buộc phải tìm tới các giải đấu thuộc hệ thống ATP 250 và ngay ở đẳng cấp ATP 500 cũng phải tránh những giải đấu ruột của các tay vợt hàng đầu, như Basel của Federer, Bắc Kinh của Djokovic, còn Barcelona thuộc về Nadal.
Chiến thắng của Del Potro ở Basel năm ngoái trước Federer là cuộc lật đổ mang tính thời điểm: Federer đã hoàn thành mục tiêu thiết lập kỷ lục số tuần trên ngôi số 1 thế giới, cần nghỉ ngơi.
Việc Nadal đến với Chile chính là lần đầu tiên sau tám năm mới tham dự một giải đấu ở Nam Mỹ, và hơn năm năm anh mới đánh một giải đất nện ATP 250. Những khoảng trống ấy chính là cơ hội cho Ferrer càn quét các danh hiệu vừa và nhỏ trong hai năm qua (chỉ riêng 2012 là sáu danh hiệu không kể Paris Masters).

Khi bước tới sân chơi Masters 1000, cơ hội dành cho họ càng trở nên ít ỏi. Paris Masters – giải đấu không nằm trong nhóm mục tiêu chinh phục của các tay vợt Big 4 do họ đã hoàn thành Grand Slam cuối cùng trong năm (US Open), đã thừa điểm tới ATP World Tour Finals – bỗng trở thành cơ hội quý để họ có thể đạt được những thành tựu nào đó trong sự nghiệp của mình.

Nó là sự lý giải tận cùng nhất cho việc tại sao danh hiệu Masters đầu tiên và duy nhất cho tới hôm nay của cả Ferrer (2012), Tsonga (2008) và Berdych (2005) đều đến từ Paris Masters.

Hoặc nếu ai còn nhớ tới Robin Soderling, một “số 5” thực thụ cho tới trước khi anh mắc căn bệnh nan y (vẫn đang chữa trị), cũng chỉ có thể được nếm mùi Masters nhờ giải Masters 1000 hạng hai như thế. Năm 2010, thành tích lần đầu vô địch Masters (và có thể sẽ là duy nhất) trong sự nghiệp của anh được lập sau trận chung kết với Gael Monfils – một tay vợt cũng chỉ đủ sức vô địch các giải nhỏ.

Và nếu kể thêm những tay vợt từng đứng trong top đầu sau nhóm Big 4, chỉ có Davydenko là người xuất sắc, ba lần vô địch Masters 1000, không chỉ ở Paris mà còn tại Miami và Thượng Hải đầy thử thách. Còn những người như Verdasco hay Tipsarevic đều chưa từng một lần biết tới vinh quang ở Masters 1000.

Bởi thế, với Ferrer, Tsonga, Berdych và Del Potro, chúng ta có thể tạm gọi họ là nhóm "Medium 4" (hay M4) để định vị họ ở giữa so với bốn ngôi sao hàng đầu và nhóm các tay vợt "nhỏ" còn lại.

* Giỏi nhất trong số còn lại

Thế nhưng, nhóm “Medium 4” ấy vẫn là những người có nhiều khả năng hơn tất cả trong số hơn một ngàn tay vợt chuyên nghiệp được xếp hạng trên bảng ATP hiện nay, để bước chân vào hàng ngũ những tay vợt lớn.

Juan Martin Del Potro là người duy nhất trong số họ đã từng giành Grand Slam (US Open) dù chưa một lần vô địch Masters 1000. Tsonga cũng đã một lần lọt vào tới chung kết Grand Slam, tại Australian Open 2008 (thua Djokovic). Tomas Berdych từng được đọ sức với Rafael Nadal tại trận đấu cuối cùng của Wimbledon 2010.

Những thất bại của nhóm Big 4 ở các Grand Slam gần đây trên thực tế nếu không phải là những cuộc đấu nội bộ thì cũng đa phần là do nhóm “Medium 4” gây nên, và những cũ ngã sốc kiểu Nadal thua trước Lukas Rosol ở vòng hai Wimbledon là khá hiếm. Trong hai lần gần nhất Djokovic chỉ vào tới tứ kết Grand Slam, một trong số đó là anh thua trước Tsonga ở Australian Open 2010.

Lần gần nhất Nadal phải dừng bước ở tứ kết Grand Slam, tại Australian Open 2011 do đụng phải Ferrer. Andy Murray trong ba lần gần nhất không vào tới bán kết chỉ có một lần anh thua ở vòng ba US Open 2011 trước Wawrinka, còn hai lần còn lại anh bị đánh bại bởi Berdych (Roland Garros 2010) và Ferrer (Roland Garros 2012).

Trường hợp của Federer càng chứng tỏ được luận điểm nói trên, bởi bốn lần anh không thể vào tới bán kết Grand Slam trong hơn ba năm qua, một lần anh bị Soderling loại tại Roland Garros 2010, còn ba lần khác, anh thua Berdych hai (Wimbledon 2010, US Open 2012) và trước Tsonga tại Wimbledon 2011.

* Những chiếc giày quá lớn

Trong gần hai năm qua, Ferrer có được sự ổn định nhất trong số các "Medium 4". Sáu Grand Slam gần nhất, anh bốn lần vào tới bán kết và hai lần vào tứ kết.

Thành tích ấy cho thấy anh đáng ra là người có thể lấp được một khoảng trống nào đó nếu như nhóm Big 4 phải chia tay một tay vợt nào đó vì tuổi tác (là Federer?), hay chấn thương (là Nadal?).
Nhưng thất bại chóng vánh cho thấy đẳng cấp quá chênh lệch của anh với Djokovic mới đây ở bán kết Australian Open cho thấy Ferrer thiếu những đột biến để tự nâng cấp bản thân. Và đáng tiếc nhất là anh đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp khi đã 30 tuổi.

Sẽ là phi lý khi trông đợi một tay vợt năm nay đã 31 tuổi (Ferrer sinh năm 1981), tức là chỉ trẻ hơn một tuổi, lại kém hẳn về đẳng cấp có thể xỏ "tạm vừa" chiếc giày vĩ đại của huyền thoại Federer.
Tsonga, Del Potro và cả Berdych đều không gặp trở ngại về tuổi tác, thậm chí có những phẩm chất của những ngôi sao, nhưng họ lại thiếu tích cách của những tay vợt vĩ đại, đó là bản lĩnh cũng như sự ổn định, chứ chưa cần nói tới tiến bộ hay hoàn thiện.

Del Potro sau chức vô địch US Open 2009 đã không thể lọt vào tới bán kết của mười kỳ Grand Slam gần nhất và anh còn vắng mặt ba giải bởi chấn thương cổ tay. Trong chuỗi tệ hại đó, anh một lần bị loại ở vòng hai, ba lần ở vòng ba và ba lần ở vòng bốn.

Berdych sau lần vào chung kết Wimbledon 2010 có ba lần bị loại từ vòng một, và chỉ có một lần vào tới bán kết các giải Grand Slam sau đó.

Tsonga cũng có tới năm lần trong hơn ba năm qua không thể lọt vào tới bán kết và cũng nếm mùi bị loại ngay từ vòng hai ở US Open 2012 - giải đấu có mặt sân phù hợp nhất với lối chơi hoang dã của anh.

Dẫu vậy, bộ ba này có thể giành Grand Slam trong thời gian tới. Đó là khi Federer gác vợt hoặc nếu Nadal tiếp tục bị chấn thương hành hạ, trong khi Djokovic và Murray khó có thể thiết lập sự thống trị một cách tuyệt đối và bền bỉ như cách bộ đôi Federer và Nadal đã làm trong suốt hơn sáu năm (2004 - 2010).

Nhưng để tạo nên sự đối trọng thực sự và gia nhập (chứ chưa dám nói tới thiết lập) nhóm Big 4 rõ ràng là không thể.

Vậy còn lý do gì nữa để chúng ta không tiếp tục thưởng ngoạn một trong những kỷ nguyên rực rỡ nhất trong lịch sử tennis nam hiện tại sẽ không còn bao nhiêu nữa, trước khi cầu nguyện cho những tay vợt còn lại sẽ "kịp lớn"!

(Theo 24H.com)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn