Bài học xuất khẩu gạo
Cập nhật ngày: 04/09/2013 09:53:02
Thiếu thị trường truyền thống vững chắc, hợp đồng xuất khẩu bị hủy khiến việc xuất khẩu gạo ngày càng thêm khó.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8 do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 3/9, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin: Vụ việc hủy hợp đồng 1 triệu tấn gạo như báo chí phản ánh thời gian qua là không chính xác. Thực chất của câu chuyện này là tình trạng nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo khác nhau cùng bị hủy từ đầu năm 2013 đến nay, nâng tổng giá trị xuất khẩu gạo vào khoảng 938.000 tấn.
Hợp đồng bị hủy bởi nhiều lý do
Trong số các hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy vừa qua, số lượng gạo xuất đi thị trường Trung Quốc chiếm tới 60% (tương đương 567.000 tấn). Hợp đồng bị hủy bởi nhiều lý do: Hết thời hạn giao hàng; khách hàng không thanh toán, không mở LC; khách hàng không xin được giấy phép nhập khẩu…
Lượng gạo xuất khẩu năm 2013 của Việt Nam giảm so với năm 2012
Ông Hải cũng chỉ rõ, trong bối cảnh thị trường thế giới đối với mặt hàng gạo có nguồn cung khá dồi dào, nhiều nước tham gia vào hoạt động xuất khẩu gạo không chỉ có riêng Việt Nam và Thái Lan. Trong khi đó, nhu cầu lại đang có xu hướng chững lại, các nước nhập khẩu cũng hạn chế nhập khẩu mặt hàng này.
“Hiện nay Trung Quốc là đối tác mới, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tìm cách tập trung khai thác, tuy nhiên chúng ta chỉ có thể xuất qua hình thức tiểu ngạch, dẫn tới quy định hợp đồng lỏng lẻo, không có ràng buộc chặt chẽ chính vì thế có sự thay đổi hợp đồng đã dẫn đến việc có tình trạng hủy hợp đồng xuất khẩu gạo như thời gian vừa qua”, ông Hải phân tích.
Theo ông Hải, mặc dù có những bối cảnh bất lợi về mặt thị trường, cũng như có tình trạng hủy hợp đồng xuất khẩu gạo, nhưng con số xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đạt được những giá trị lớn.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo đã đạt được gần 4,4 triệu tấn với trị giá FOB là 1,8 tỷ USD. Nếu tính cả lượng hợp đồng đã đăng ký, con số có thể lên tới 6,1 triệu tấn. So với năm 2012 chỉ giảm 2,5%. Trong bối cảnh thị trường như hiện nay, con số này đã thể hiện sự nỗ lực tích cực của các thương nhân xuất khẩu gạo.
Năm 2013 xuất khẩu gạo giảm
Lượng xuất khẩu gạo tháng 8 cũng như cả năm 2013 có xu hướng giảm là do dự báo sản lượng gạo trên thế giới tăng, trong khi nhu cầu nhập khẩu của các nước nói chung đều giảm.
Theo ông Trần Thanh Hải, các đối tác cạnh tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam như Thái Lan hiện đang có kho dự trữ gạo khổng lồ qua 2 năm thực hiện chính sách hỗ trợ người nông dân mua gạo của chính phủ Thái Lan. Tính đến nay, quốc gia này đã có con số dự trữ vào khoảng 17 triệu tấn.
Hiện nay Thái Lan cũng đang tìm cách bán ra. Bên cạnh đó Ấn Độ cũng có lượng dự trữ gạo rất lớn hoặc như một số các đối tác mới tham gia thị trường xuất khẩu gạo như Pakistan, Campuchia, Myanmar… là những nước có nền nông nghiệp tương đối phát triển, có sản lượng gạo tăng nhanh, lại được các nước nhập khẩu gạo ưu đãi, ví dụ như Myanmar vẫn được coi là quốc gia kém phát triển.
Trong khi đó, các đối tác nhập khẩu truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia… đang có kế hoạch nhập khẩu tương đối cầm chừng. Đấy là những lý do góp phần làm hạn chế, gây ra khó khăn cho công tác xuất khẩu gạo tháng 8 cũng như trong năm 2013.
Xuất khẩu gạo Việt Nam không ảnh hưởng từ Thái Lan
Ông Trần Thanh Hải cho biết, nếu chỉ nhìn vào con số 17 triệu tấn gạo dự trữ của Thái Lan thì cũng đáng lo ngại nếu quốc gia này ồ ạt bán ra.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn sẽ có những khía cạnh khác, cụ thể ở chỗ gạo của Thái Lan có phẩm cấp khác so với gạo của Việt Nam, nói cách khác, gạo xuất khẩu của Thái Lan không cùng sân chơi với gạo của Việt Nam nên không cạnh tranh trực tiếp đối với gạo của Việt Nam.
“Bản thân Thái Lan đang nỗ lực tìm cách giải quyết lượng tồn kho gạo nhưng kết quả rất hạn chế. Gần đây, chính phủ Thái Lan cũng có tổ chức bán đấu giá lượng gạo này nhưng cũng chỉ mới bán được hơn 200.000 tấn, điều đó cho thấy khả năng giải quyết được lượng gạo tồn kho của Thái Lan cũng không phải là dễ dàng”, ông Hải quả quyết.
Hướng đi cho thị trường gạo trong nước
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực tìm đầu ra cho hướng đi của gạo. Cục Xuất nhập khẩu đã ban hành chỉ thị 15 ngày 3/7/2013 trong đó đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác tiêu thụ gạo cũng như thủy sản.
Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu có giao nhiệm vụ chi tiết cho các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương tổ chức chương trình doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, trong đó đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền thương hiệu, nhãn hiệu cho các mặt hàng nói chung trong đó có mặt hàng gạo.
Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng tập trung lớn vào mặt hàng gạo cũng như các mặt hàng nông sản - là những mặt hàng đang được ưu tiên để xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung chỉ đạo các cơ quan thương mại Việt Nam tại nước ngoài (thương vụ) tích cực tìm đầu ra cho các sản phẩm gạo. Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan như giới thiệu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên cổng thông tin điện tử, truyền hình… cũng góp phần tìm đầu ra cho các thương nhân xuất khẩu gạo./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN