Biểu dương phong trào gia đình, dòng họ hiếu học

Cập nhật ngày: 10/10/2013 05:01:07

Ông Nguyễn Mạnh Cầm: Hội Khuyến học Việt Nam sẽ phấn đấu góp phần vào việc xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.

Sáng 9/10, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội thi đua và biểu dương phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học toàn quốc lần thứ III năm 2013.

Trước khi bắt đầu, Đại hội đã dành phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam suốt 17 năm qua (từ khi thành lập Hội Khuyến học Việt Nam 1996) vừa từ trần, hưởng thọ 103 tuổi.


Đại diện gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học
 được biểu dương tại Đại hội

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm nhấn mạnh: Đại hội không những biểu dương các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học mà còn rút ra những kinh nghiệm thiết thực, bổ ích để đưa cuộc thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học nói riêng và phong trào khuyến học, khuyến tài nói chung sang một giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ cả về cả về bề rộng và chiều sâu, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Đó là thời kỳ chấn hưng nền giáo dục nước nhà, thời kỳ “đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập” và “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo” theo Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Ông Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng, xây dựng xã hội học tập là một vấn đề rất mới đối với nước ta nhưng lại được thực hiện trong điều kiện khó khăn hơn nhiều nước do sự cách biệt rất lớn giữa các vùng miền, trình độ học vấn, dân trí, điều kiện vật chất, địa lý… Do đó, có những vấn đề chúng ta phải tự nghiên cứu và xử lý phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình bởi khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập không chỉ đơn thuần là một phong trào quần chúng mà còn là một sự nghiệp, một bộ phận cấu thành của nền giáo dục nước nhà, gắn liền với việc thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo” của Đảng và Nhà nước.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, với tâm huyết của những người làm khuyến học, Chỉ thị 11 CT/TW của Bộ Chính trị luôn là bó đuốc soi đường cho chúng ta tiến về phía trước, trong đó đã xác định khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, nhất định Hội Khuyến học Việt Nam sẽ quyết tâm phấn đấu góp phần tích cực và hiệu quả vào việc xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập để “dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái” như Bác Hồ hằng mong muốn.

Cùng với việc thiết lập các tổ chức khuyến học trên mọi địa bàn dân cư ở tất cả 63 tỉnh, thành, 100% huyện, quận, thị xã, gần 100% xã, phường lan tỏa đến tận gần 11 triệu người (hơn 12% dân số) và việc xây dựng một mạng lưới hơn 10.900 trung tâm học tập cộng đồng, cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học và cộng đồng khuyến học đã góp phần đưa phong trào khuyến khọc, khuyến tài trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng. Những phong trào này đã phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc, tạo điều kiện để mọi người dân đều được học và học suốt đời.

Tại Đại hội, Ban tổ chức đã trao 324 bằng khen cho các đại biểu là đại diện các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học xuất sắc tiêu biểu nhất của tất cả 63 tỉnh, thành. Trong đó có 174 đại biểu đại diện cho trên 5,5 triệu gia đình hiếu học, 68 đại biểu đại diện cho hơn 60.000 dòng họ hiếu học và 82 đại biểu đại diện cho 200.000 cộng đồng khuyến học trong toàn quốc./.

Chu Miên/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn