Bộ GTVT tiếp tục đề xuất phạt xe không sang tên đổi chủ
Cập nhật ngày: 04/03/2013 06:19:07
Theo dự thảo Nghị định, ô tô không sang tên đổi chủ phạt từ 2-8 triệu đồng.
Theo dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vừa được Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến lần 2, Bộ này vẫn đề xuất xử phạt với hành vi không sang tên đổi chủ, đồng thời phạt chủ phương tiện không nộp phí giao thông với mức phạt tương ứng.
Ô tô không nộp phí phạt từ 2-8 triệu đồng
Trước đó, theo Nghị định (NĐ) 71 (có hiệu lực từ tháng 11/2012), xe ô tô không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ 6 - 10 triệu đồng, riêng mô tô xe máy bị phạt 800.000 - 1,2 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau rất nhiều bất đồng trong dư luận, Chính phủ đã yêu cầu trong khi chờ thông tư hướng dẫn, lực lượng công an chưa xử phạt đối với hành vi sang tên đổi chủ; đồng thời các Bộ ngành liên quan đề xuất đưa ra giải pháp sang tên đổi chủ với các phương tiện cũ cho thuận tiện nhất.
Xe không làm thủ tục sang tên đổi chủ vẫn sẽ bị phạt theo dự thảo Nghị định qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vừa được Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến lần 2
Theo dự thảo sửa đổi Nghị định thay thế NĐ 34, NĐ 71, NĐ 44, NĐ 156 này, xe mô tô, gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân (200.000 - 400.000 đồng với tổ chức) là chủ xe không làm thủ tục chuyển đổi lại giấy đăng ký xe theo quy định sau khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản là phương tiện; hoặc không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định...
Với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô sẽ bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng (với chủ xe là tổ chức mức phạt là 4 - 8 triệu đồng) nếu không làm thủ tục sang tên đổi chủ và không nộp phí giao thông.
Trong tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT lý giải: vấn đề không sang tên đổi chủ vẫn còn các ý kiến khác nhau. Quan điểm thứ nhất là không quy định xử phạt vì hành vi vi phạm này thuộc điều chỉnh của pháp luật về phí và lệ phí. Quan điểm thứ hai, quy định về đăng ký phương tiện, phí phương tiện (hiện nay là Quỹ bảo trì đường bộ) được quy định trong luật Giao thông đường bộ, vì vậy cần quy định xử phạt, đề nghị điều chỉnh mức phạt tiền tương ứng với mức phí tương ứng.
Bộ GTVT xây dựng dự thảo NĐ theo quan điểm xử phạt, và chỉ giảm mức phạt tiền tương đương với mức lệ phí trước bạ và phí tham gia giao thông.
“Chưa gỡ xong khó khăn đã tính chuyện phạt”
Dự thảo Nghị định dự kiến có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, “trước khi thực hiện xử phạt phải tháo gỡ mọi khó khăn cho người dân khi làm thủ tục sang tên đổi chủ về cả hai yếu tố là hạ phí trước bạ và giảm thủ tục phiền hà. Đây lại chưa tháo gỡ xong khó khăn đã tính đến chuyện xử phạt”.
Theo ông Hùng, Chính phủ đã có Nghị quyết 02 tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện sang tên đổi chủ, hạ phí trước bạ đăng ký lần 2 xuống 2%.
Nhưng thông tư hướng dẫn quyết định này chưa ra đời, thời điểm áp dụng vẫn phải chờ thì không nên tính chuyện xử phạt quá sớm như vậy.
Ngoài ra, dù Bộ Công an cũng đã có dự thảo về sửa đổi, bổ sung với Thông tư 36 để tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký xe mua bán qua nhiều đời chủ hoặc không có chứng từ chuyển nhượng, nhưng quy định chính thức chưa có. “Do đó, phải chờ các chủ trương gỡ khó cho người dân khi sang tên đổi chủ trên đi vào cuộc sống, và tính toán độ trễ nhất định về mặt thời gian vài tháng đến 1 năm, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện hết việc sang tên đổi chủ, thì mới nên tính đến chuyện xử phạt”, ông Hùng đề xuất.
Liên quan đến quy định không mua, nộp phí giao thông sẽ bị phạt tương ứng với mức phạt không sang tên đổi chủ, ông Hùng cho rằng, trong khi phí bảo trì đường bộ vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận trong dư luận, thì việc quy định thời điểm xử phạt quá gần (1/7/2013) là không hợp lý./.
Điểm mới trong dự thảo NĐ là, người sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. Với mô tô, xe gắn máy, phạt từ 60.000 - 80.000 đồng nếu sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ trợ thính).
Về thẩm quyền xử phạt, Chủ tịch UBND xã có thể phạt tiền đến 4 - 5 triệu đồng, chủ tịch UBND huyện phạt tiền đến 20 - 37,5 triệu đồng, chủ tịch UBND cấp tỉnh phạt tiền đến 40 - 75 triệu đồng. Công an nhân dân, thanh tra giao thông đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 400.000 - 500.000 đồng.
Theo Thanh niên