Bưu chính - Viễn thông trước giờ “chia tay”

Cập nhật ngày: 16/12/2012 14:22:53

Việc ra “ở riêng” của VietnamPost khiến toàn thể cán bộ, CNV của ngành bịn rịn, luyến tiếc như sắp phải chia xa những gì đã gắn bó đến quá đỗi thân thuộc. Hơn 67 năm đã trọn vẹn cùng nhau, giờ là lúc Bưu chính - Viễn thông sẵn sàng thêm những nhiệm vụ mới.

Nhớ thời “chia lửa”

Kể từ mốc son ra đời đáng nhớ cách đây hơn 67 năm (15/8/1945), cụm từ không tách rời - Bưu chính Viễn thông đã trở nên gắn bó và trở nên đáng nhớ trong lịch sử phát triển của Việt Nam.


Ký ức về những cán bộ, công nhân viên của ngành Bưu chính Viễn thông (BCVT) đã cùng đồng cam cộng khổ trong suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước, giữ vững “mạch máu” thông tin liên lạc, vận chuyển tài liệu, thư từ, điện báo, hàng hóa, đưa đón, bảo vệ cán bộ…góp phần không nhỏ cho sự hòa bình ngày nay của đất nước, đến giờ vẫn được lưu giữ như những truyền thống tốt đẹp nhất, hào hùng nhất của ngành nói riêng và của đất nước nói chung.

Bác Hồ đã từng nói: "Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”.
Chính vai trò của thông tin liên lạc đã một phần quyết định chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam, mùa thu năm 1945. Và nhận thức được tầm quan trọng của thông tin liên lạc, những con người ngành BCVT đã đều chung một lòng quyết tâm cùng nhau dốc sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Hẳn những ai đã từng gắn bố với ngành sẽ đều không quên được hình ảnh những người giao bưu, giao liên quả cảm. Những năm chiến tranh, nhiệm vụ của những người giao bưu không chỉ đơn giản là đưa tài liệu, thư từ tới tay người nhận như bây giờ. Thời đó, người giao bưu có thêm cả nhiệm vu vừa là người dẫn đường cho cán bộ đi làm nhiệm vụ cách mạng, vừa là người mang công văn, tài liệu mật của Đảng, Nhà nước. Họ cũng được đào tạo như một người lính thực thụ. Họ biết chiến đấu, bảo vệ, thậm chí khi những tài liệu quan trọng chẳng may rơi vào tay giặc, họ còn biết phải tiêu hủy bằng cách nào, ngay cả việc phải nghĩ đến là hy sinh thân mình.

Và cũng rất rất nhiều người giao liên dũng cảm, vận chuyển thư hỏa tốc không phải bằng phương tiện cơ giới mà là chạy bộ, băng rừng, xuyên đêm để kịp thời cho kế hoạch các trận chiến, đã hy sinh anh dũng.

Đằng sau những “dòng chảy” thông tin cũng là công lao không nhỏ của những cán bộ, công nhân viên làm nhiệm vụ tại các tổng đài điện thoại, các trạm cơ vụ, trạm phát thanh, trạm viba…trên khắp cả nước. Họ quyết bám trụ trong mọi tình huống ác liệt của chiến tranh, sẵn sàng hy sinh để nối liền mạch máu thông tin.

Đến nay, có lẽ trong mỗi cán bộ, công nhân viên ngành BCVT đều luôn ghi nhớ những hình ảnh hào hùng đó, duy trì truyền thống tốt đẹp, coi đó như một nguồn động lực để tiếp tục cống hiến.

Trải qua nhiều khó khăn, sự gắn bó nghĩa tình, cùng chia ngọt sẻ bùi đã giúp cho ngành BCVT lớn mạnh không ngừng. Chiến tranh qua đi, ngành BCVT bắt tay vào cuộc “chiến” mới, đó là phải phát triển mạnh mẽ bưu chính và công nghệ thông tin.

Một cán bộ lâu năm của ngành BCVT kể rằng, ngay trong đào tạo, lãnh đạo ngành đã nghĩ tới việc phải có bộ môn cơ giới hóa bưu chính. Mọi hoạt động trong lĩnh vực bưu chính như đóng bao, đóng dấu, thùng thư, chuyển thư, xóa tem…vv đều được hiện đại hóa bằng máy móc thay cho làm thủ công. Hệ thống các bưu cục, các điểm giao dịch với các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng hiện đại được mở rộng trên khắp mọi miền đất nước.

Trong những năm 80, người dân Việt Nam vẫn còn phải lo cái ăn, cái mặc, thông tin liên lạc hạn chế, chưa dám nghĩ tới một ngày điện thoại di động trở nên phổ biến, mạng internet có tốc độ ngang bằng thế giới; vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đều có mặt của Bưu chính Viễn thông, phục vụ tốt công tác chính trị, an sinh xã hội…Ấy vậy mà, mọi điều giờ đã là hiện thực, với công không nhỏ nhờ Bưu chính Viễn thông.

Hơn 67 năm phát triển, những gì đã đạt được hôm nay của ngành BCVT đã nói lên nhiều hơn những gì đã viết trong một trang báo này.

Chia tay vẫn chung một mái nhà

Để tiếp tục vươn xa hơn nữa, Đảng, Chính phủ đã định hướng và đề ra giải pháp nhằm thực hiện quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam. Trong đó có việc tách bưu chính và viễn thông vào năm 2007, tạo sự chủ động và hiệu quả của các lĩnh vực trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngày 26/12/2007, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) chính thức ra mắt. Việc ra “ở riêng” của VietnamPost cũng khiến toàn thể cán bộ, CNV của ngành bịn rịn, luyến tiếc như sắp phải chia xa những gì đã gắn bó và quá đỗi thân thuộc. Tuy nhiên, đó là lộ trình của sự phát triển và sự chia tách cũng đồng nghĩa với việc để Bưu chính có thể phát triển hơn.

Trong suốt quá trình chuẩn bị cho việc chia tách, Tập đoàn VNPT đã chủ động xây dựng mô hình tổ chức, hoạt động và đề xuất triển khai thành lập Tổng công ty Bưu chính; xây dựng chương trình đào tạo các cấp bậc và chức danh lao động bưu chính; phối hợp xây dựng đề án cơ chế hỗ trợ tài chính cho Bưu chính…vv.

Bên cạnh đó, ngoài việc tiếp tục lấy nguồn thu từ hoạt động viễn thông bù chi cho hoạt động bưu chính, rất nhiều các ứng dụng công nghệ phục vụ đổi mới hệ thống quản lý, nâng cao năng suất lao động của Bưu chính cũng đã được Tập đoàn VNPT hỗ trợ tối đa.

Không chỉ vậy, mọi công tác từ hoạt động Đảng, kiện toàn bộ máy tổ chức, đến thực hiện nhiệm vụ công ích do Nhà nước giao…cũng đều được Tập đoàn VNPT chung tay giúp sức, với mong muốn làm sao một phần “máu thịt” của mình tiếp tục phát triển, cùng toàn ngành BCVT đóng góp công sức cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại VietnamPost từ Tập đoàn VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) (ban hành ngày 16/11/2012) của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, Hội đồng Thành viên VNPT thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở trước ngày 1/1/2013.

Quyết định 1746 cũng nêu, sẽ đổi tên Tổng công ty Bưu chính Việt Nam thành Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, với ngành, nghề kinh doanh chính là: thiết lập, quản lý, khai thác và phát triển mạng bưu chính công cộng, cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích; kinh doanh các dịch vụ bưu chính, phát hành báo chí trong và ngoài nước; tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính quốc tế và các dịch vụ khác; đại lý dịch vụ viễn thông, bán lại dịch vụ viễn thông; Tư vấn, nghiên cứu, đào tạo, dạy nghề và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bưu chính; kinh doanh các dịch vụ tài chính bán lẻ và tài chính bưu chính trên mạng bưu chính, các dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng…

Cuộc chuyển giao này đã được Tập đoàn VNPT chuẩn bị kỹ lưỡng, khi hoạt động sản xuất kinh doanh của VietnamPost đã và đang có nhiều tín hiệu đáng mừng. Mong rằng, Bưu chính và Viễn thông vẫn tiếp tục phát huy truyền thống nghĩa tình cao đẹp, cùng nhau phát huy mọi khả năng, nguồn lực của mình, cùng hợp tác và mang lại hiệu quả cao trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay của đất nước.

ĐH (Theo Khổng Nhung-Vnmedia)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn