Các chuyên gia lên tiếng về đáp án Chung kết Olympia
Cập nhật ngày: 27/06/2012 15:17:03
Cố vấn bộ môn Vật lý của chương trình cho rằng, không nên đặt vấn đề hủy kết quả, thi lại hay tước ngôi vị vô địch của một học sinh.
Đề bài đặt ra: 3 mặt trời = 2 ngôi sao, 1 ngôi sao + 4 mặt trăng = 1 mặt trăng + 5 mặt trời. Hỏi sẽ có bao nhiêu mặt trời để cán cân thăng bằng: 2 mặt trăng + 4 ngôi sao = 1 mặt trăng + 1 ngôi sao + ? mặt trời. Ban tổ chức đã đưa ra đáp án là 6 và cho rằng coi mặt trăng = 7, ngôi sao = 9, rồi suy ra mặt trời = 6 thì tự khắc sẽ ra kết quả này. Tuy nhiên, nếu với đáp án là 6 thì phương trình cuối cùng sẽ trở thành một phương trình không tưởng 50=52 (?!).
Câu hỏi này kèm đáp án sai đã “tặng không” cho hai thí sinh chọn đáp án “6” (trong đó có nhà vô địch Đặng Thái Hoàng).
Trao đổi với Tuổi trẻ, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) - thẳng thắn cho rằng câu hỏi này là một bài toán không đạt chuẩn. Theo ông Lương, cách ra đề hoàn toàn không ổn và đáp án thì không cần phải bàn cãi về sự sai sót nữa: “Giả sử đề bài đúng, đáp án chính xác phải là 17/3. Còn muốn đáp án là 6, không cách nào khác phải ra một đề hoàn toàn... khác!”.
Trước yêu cầu có một phản hồi nhanh, có trách nhiệm, giảm tổn thương cần thiết cho cả bốn thí sinh của trận chung kết, ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng ban Thư ký biên tập Đài truyền hình Việt Nam (VTV) - chỉ thông báo: “VTV đã yêu cầu Ban Thể thao - Giải trí và Thông tin kinh tế rà soát toàn bộ diễn biến cuộc thi. Đề bài đã được hội đồng cố vấn chuẩn bị kỹ càng chứ không phải do phía đài soạn ra, nên việc đúng sai chưa thể kết luận ngay được”.
Trong khi đó, PGS. Văn Như Cương cho rằng hướng xử lý đối với câu hỏi sai nêu trên là không tính điểm cho thí sinh đưa ra đáp án sai. “Giả sử các em trả lời không có đáp án nào là số nguyên cả thì tuyệt vời, có thể được đặc cách. Tuy nhiên, các em chọn phương án 3, 4, 5 hoặc 6 thì đều sai. Khi chấm lại như phúc khảo, ta phải cho đáp án điểm 0 là điều tất nhiên” - ông nói.
Theo PGS. Văn Như Cương, Ban tổ chức cần xem lại điều lệ cuộc thi, nếu quy định rõ đề thi sai, đáp án sai không chấm điểm thì cứ làm theo; còn nếu chưa có quy định như thế, Ban tổ chức cần họp lại vì đáp án sai mà cho điểm 2 em kia thì không chấp nhận được.
Trao đổi với PV, PGS.TS Phan Doãn Thoại, Viện trưởng Viện nghiên cứu Sách và Học liệu giáo dục Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cố vấn môn Toán của chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2012 lại khẳng định ông chỉ là cố vấn môn Toán cho chương trình còn câu hỏi IQ gây tranh cãi lại do một bộ phận khác phụ trách.
Tuy nhiên, với vai trò là thành viên của ban tư vấn cho chương trình, PGS Thoại cũng từ chối bình luận về trách nhiệm trong việc rà soát các câu hỏi và đáp án của chương trình. PGS Thoại cũng cho rằng, hiện đã nhận được thông tin từ ban biên tập chương trình của VTV3 để cùng tìm hiểu và giải quyết các sự cố xảy ra trong chương trình. Theo PGS Thoại thì sai sót của chương trình là có nhưng không lớn.
Cũng đồng tình với quan điểm này, GS.TS Ngô Thế Khôi (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) - Cố vấn bộ môn Vật lý của chương trình cho rằng không nên đặt vấn đề hủy kết quả, thi lại hay tước ngôi vị vô địch của một học sinh.
GS Khôi cho rằng bản thân những người trong cuộc cũng không muốn như vậy vì đây là một cuộc chơi và đôi khi sai sót có thể xảy ra./.
VOV