Cần phát huy vai trò báo chí trong phát hiện lãng phí
Cập nhật ngày: 09/08/2013 05:01:25
Nội dung này được đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Sáng 8/8, tại Hải Phòng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Dự án Tăng cường năng lực giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), chuẩn bị trình kỳ họp Quốc hội tới.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của đại diện các Bộ, ban, ngành tập trung góp ý vào những nội dung như tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật; nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm căn cứ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cơ chế phát hiện, phản ánh, tố giác hành vi lãng phí; về chế tài xử lý các hành vi vi phạm…
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đăng Hoan mong muốn Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khi ban hành sẽ có những quy định chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ với những chế tài rõ ràng gắn với xác định trách nhiệm và các cơ chế giám sát, thanh tra xử lý vi phạm. Cần bổ sung làm rõ các quy định về cơ chế để tạo điều kiện cho nhân dân có quyền giám sát, phát huy vai trò của báo chí trong việc phát hiện lãng phí.
Các đại biểu đề nghị cần thu hẹp phạm vi và đối tượng điều chỉnh, không đưa vào luật các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất tiêu dùng của nhân dân, vì không có chế tài xử lý.
Cần quy định việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các khâu từ quy hoạch, kế hoạch cho tới việc ban hành các quyết định về chủ trương, về chính sách, chế độ, định mức, tiêu chí cho đến khâu tổ chức thực hiện./.
Phi Long/ VOV.VN