Cản trở báo chí hoạt động trong cuộc chiến chống tham nhũng - Xem như chống người thi hành công vụ
Cập nhật ngày: 15/07/2013 08:54:33
Trong cuộc chiến chống tham nhũng, báo chí đóng vai trò rất quan trọng nhưng trên thực tế, khi tiến hành các loạt bài điều tra chống tham nhũng, báo chí thường gặp rất nhiều áp lực, nguy hiểm. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, để tạo điều kiện cho báo chí tham gia chống tham nhũng hiệu quả hơn, cần coi nhà báo đang hoạt động báo chí như người đang thi hành công vụ. Chống lại báo chí đang hành nghề chính là chống người thi hành công vụ.
Ông Lê Như Tiến
- PV: Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội vừa qua nhận định tình trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực gây bức xúc cho xã hội và là thách thức đối với sự quản lý của Nhà nước. Cá nhân ông đánh giá tình trạng tham nhũng hiện nay nghiêm trọng ở mức nào?
>> Ông LÊ NHƯ TIẾN: Tham nhũng lãng phí hiện nghiêm trọng tới mức mà chúng ta đã gọi nó là quốc nạn. Quốc nạn thì lớn lắm rồi, không phải đơn chiếc, không phải lẻ tẻ, không phải cá nhân mà nó dường như là phổ biến, có mặt hầu khắp các lĩnh vực, rất tinh vi, tinh xảo. Tham nhũng có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta có nhiều biện pháp kể cả Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Trung ương có nghị quyết, Bộ Chính trị có chỉ thị, Quốc hội có rất nhiều nghị quyết, Chính phủ có báo cáo nhưng chưa ngăn chặn và đẩy lùi được. Quyết tâm chính trị thì có rồi nhưng đặc biệt con người, có người nói người trong bộ máy chống tham nhũng cũng có những dấu hiệu tham nhũng liệu có chuyển được không.
- Phát biểu trước Quốc hội, ông nói rằng chống tham nhũng cần có bộ máy chuyên nghiệp, có những Bao Công dám cởi bỏ mũ áo chức tước để tuyên chiến với tham nhũng. Vậy theo ông, cơ chế quan trọng hơn hay con người quan trọng hơn và chúng ta đang thiếu cái gì?
Chúng ta đang thiếu cả hai, đang thiếu một cơ chế pháp luật cho người phòng chống tham nhũng một quyền, một đặc quyền giống như là giao cho “Thượng phương bảo kiếm”, nếu thấy đúng là tham nhũng thì anh có quyền xử lý rồi báo cáo sau. Cơ chế của chúng ta chưa cho phép, chúng ta làm việc tập thể rồi phải báo cáo cấp nọ cấp kia, rồi người có quyền trong phòng chống tham nhũng đôi khi bị hạn chế cản trở bởi những quy định, công tác cán bộ và công tác của Đảng, của Nhà nước. Cá nhân muốn làm gì anh phải báo cáo, không tự quyền được.
Và bên cạnh cơ chế pháp luật là con người. Con người được giao nhiệm vụ chống tham nhũng phải là con người sạch, con người trong bộ máy chống tham nhũng mà không sạch, lại bị vấy bẩn hoặc bị ảnh hưởng nào đó, bị cám dỗ bởi vật chất, đồng tiền thì rõ ràng là không thể nào phòng chống tham nhũng tốt được. Cần phải có cả hai, có cơ chế cho người ta chiếc “gậy thần” hay chiếc “đũa thần” nhưng bản thân người sử dụng phải có tâm có tầm, vừa có lòng trong mắt sáng, có cái nhìn khách quan thì mới xử lý được tham nhũng.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí?
Tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng. Báo chí chính là người phanh phui ra rất nhiều vụ về tham nhũng lãng phí và người ta tổng kết lại hầu hết các vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lại là do các phương tiện thông tin đại chúng, do nhân dân, do cử tri phát hiện ra chứ không phải do các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật. Đó chính là vai trò to lớn của báo chí, không những định hướng dư luận, báo chí còn phản ánh thực trạng, trực tiếp phản ánh những vụ việc tham nhũng xảy ra ở các nơi, như là vụ PMU 18, Vinashin, Vinalines…, đều có vai trò của báo chí.
- Trên thực tế báo chí không đủ chức năng và thẩm quyền điều tra như cơ quan bảo vệ pháp luật, thậm chí nếu có điều tra sâu đưa lên mặt báo thì bị coi là vi phạm pháp luật, lạm quyền. Vậy liệu có kỳ vọng quá nhiều vào báo chí không khi cho rằng báo chí có khả năng chống tham nhũng?
Rõ ràng là báo chí có phát hiện nhưng báo chí không phải cơ quan điều tra, nên việc báo chí đã phát hiện ra rồi cơ quan điều tra phải vào cuộc. Cơ quan điều tra vào cuộc đã có kết quả, chuyển sang cơ quan truy tố rồi đến xét xử, thi hành án. Đó là quy trình khép kín của tố tụng hình sự. Người ta nói rằng báo chí vẫn có vai trò rất lớn vì cơ quan thông tin đại chúng phát hiện ra phản ánh một cách trung thực còn việc tiếp theo là của các cơ quan chức năng chứ không phải của báo chí.
- Khi tiến hành các loạt bài điều tra chống tham nhũng, báo chí thường gặp rất nhiều áp lực, nguy hiểm. Theo ông, phải tạo cơ chế như thế nào để báo chí vững tin hơn khi tham gia cuộc chiến chống tham nhũng?
Tôi đã nhiều lần bức xúc về việc một số cá nhân, đơn vị có biểu hiện hành hung đối với nhà báo, xúc phạm nhân phẩm, danh dự thậm chí là tính mạng, sức khỏe của nhà báo. Có trường hợp còn ngang nhiên thu giữ phương tiện hành nghề của nhà báo. Luật Báo chí đã quy định đây là những hành vi bị nghiêm cấm nhưng thực tế vẫn diễn ra. Vì vậy, sắp tới khi sửa Luật Báo chí, cần phải coi nhà báo đang hành nghề như là người đang thi hành công vụ. Chống lại báo chí khi hành nghề chính là chống người thi hành công vụ. Trong Bộ luật Hình sự cũng như các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí cần đưa ra các chế tài nặng hơn đối với hành vi này. Trong một đất nước dân chủ, để xảy ra hiện tượng xúc phạm thân thể, danh dự của nhà báo, thu giữ đập phá phương tiện hành nghề của báo chí là điều không thể chấp nhận được. Các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật và chính cơ quan chủ quản của báo chí cần phải lên tiếng để bảo vệ nhà báo hoạt động.
Theo SGGPO