Cấp phó quân đội ngang hàm cấp trưởng gây tranh cãi
Cập nhật ngày: 18/04/2014 05:55:22
Theo dự luật Sĩ quan quân đội, tổng cục trưởng và tổng cục phó có thể cùng hàm trung tướng; 3 vị trí chỉ huy đứng đầu toàn quân có thể cùng hàm đại tướng.
Tương tự dự luật Công an được bàn thảo trước đó, điều kiện để được phong hàm tướng trong dự luật Sĩ quan quân đội cũng là chủ đề có nhiều ý kiến nhất tại cuộc họp thường vụ Quốc hội sáng 16/4.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cho hay, nếu công an muốn phong tướng cho giám đốc ở 6 tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Nai) thì quân đội cũng phải có tướng cho chỉ huy trưởng ở địa phương này. “Nhưng đó là ý kiến với tư cách cá nhân, thành viên Chính phủ. Chúng tôi trao đổi lại trong quân đội và Quân ủy Trung ương, thống nhất chỉ huy trưởng ở địa phương mang hàm đại tá”, Bộ trưởng nói.
Thêm nữa, công an chỉ có một người đứng đầu, quân đội vừa có chỉ huy trưởng vừa có chính ủy, nếu phong tướng thì số lượng phải gấp đôi. “Chưa kể, tỉnh này được phong tướng, các tỉnh khác sẽ ý kiến. Quảng Ninh có thể thắc mắc sao Hải Phòng được mà tôi không trong khi tôi có biên giới, biển đảo, dân tộc thiểu số nhiều. Khánh Hòa cũng sẽ so mình là tỉnh lớn chả lẽ không bằng Đà Nẵng”, tướng Thanh ví dụ.
Ông băn khoăn, về nguyên tắc khi có tác chiến ở khu vực phòng thủ thì chỉ huy trưởng quân đội (cấp tá) là chỉ huy cao nhất, người đồng chức bên công an cũng là ủy viên thường vụ lại mang quân hàm tướng, thì sẽ rất khó chỉ đạo.
Quân đội có thể cùng lúc có 3 đại tướng là bộ trưởng, tổng tham mưu trưởng
và chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Ảnh: VOV.
Dự thảo luật này cũng quy định, người đứng đầu Bộ tư lệnh TP HCM cao nhất mang quân hàm thiếu tướng, chỉ tư lệnh Quân khu Thủ đô mới đến hàm trung tướng. Trong khi, dự thảo luật Công an cho phép giám đốc sở là trung tướng.
Với hàm đại tướng, 3 chức danh được phong là bộ trưởng, tổng tham mưu trưởng và chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Các thứ trưởng, phó tổng tham mưu trưởng, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; giám đốc, chính uỷ Học viện Quốc phòng sẽ có trần là hàm thượng tướng.
Các vị trí được đề xuất hàm trung tướng gây tranh cãi nhiều hơn cả, đó là: tư lệnh, chính ủy quân khu, quân chủng, bộ đội biên phòng; chủ nhiệm tổng cục, tổng cục trưởng, chính ủy tổng cục; trưởng ban Cơ yếu Chính phủ; tư lệnh, chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cảnh sát biển Việt Nam; giám đốc, hiệu trưởng, chính ủy các học viện, trường sĩ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng; phó giám đốc, phó chính ủy Học viện Quốc phòng; phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương;
Cục trưởng các cục Tác chiến, Quân huấn, Quân lực, Nhà trường, Dân quân tự vệ, Tổ chức, Cán bộ, Tuyên huấn, Quân y... cũng có trần trung tướng.
Nhìn vào danh sách này, Chủ tịch Quốc hội thắc mắc, tại sao tổng cục trưởng và cục trưởng đều là trung tướng? Hoặc tổng cục trưởng là trung tướng thì cấp phó phải là thiếu tướng chứ không để phó và trưởng cùng quân hàm. “Với tư cách đại biểu, tôi muốn hỏi cơ quan soạn thảo và thẩm tra. Nếu không thông tôi sẽ không bấm nút”, ông Nguyễn Sinh Hùng nói.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh giải thích, sở dĩ có trung tướng đứng đầu một số cục vì đó là cục trực thuộc Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị - những đơn vị tham mưu chiến lược, chỉ đạo toàn quân, có đầu mối khắp nơi như Cục Tác chiến hay Quân huấn.
"Muốn lên cục trưởng này thì phải qua tư lệnh quân đoàn hay phó tư lệnh quân khu. Nếu không mang quân hàm trung tướng khi xuống chỉ đạo rất khó. Còn những cục chỉ có cấp thiếu tướng là hậu cần, kỹ thuật...", Bộ trưởng cho biết.
Vấn đề nhiều cấp phó ngang quân hàm cấp trưởng, tướng Thanh lý giải, trong quân đội có 12 bậc quân hàm nhưng có đến 12.000 chức vụ, 6.000 chức danh nên việc xếp cấp phó thấp hơn cấp trưởng là khó. “Quân đoàn phó mà đeo hàm đại tá là rất thiệt thòi vì sư đoàn phó đã là đại tá, lên sư trưởng cũng đại tá, rồi đến phó tư lệnh quân đoàn vẫn vậy. Qua 4 cấp mà quân hàm không thay đổi thì anh em ở dưới rất tâm tư”, Đại tướng nói.
Chung thắc mắc này, song nghe Đại tướng giải thích, Chủ nhiệm hội đồng Dân tộc Ksor Phước tỏ vẻ đồng tình. Theo ông, đúng là có sự “dồn toa” rất nhiều, nhất là hàm đại tá, có người đeo lon này 10 năm.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Phước đề nghị Luật nên ghi ở mỗi cấp lãnh đạo có 3 cấp quân hàm. Riêng cấp bộ trưởng, tư lệnh quân khu, tỉnh đội trưởng chỉ 1 bậc hàm.
Nhưng, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, nếu dồn toa thì đề bạt chuyển cấp trên, để vào chức danh phó - trưởng tổng cục một khi xứng đáng với năng lực, chứ không vì vướng quân hàm mà “bắt” phải ngồi ghế dưới quá lâu.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Quốc phòng an ninh cũng nhấn mạnh, cấp trưởng phải cao hơn cấp phó 1 bậc. Quy định một số cấp phó bằng quân hàm cấp trưởng sẽ tạo ra sự không thống nhất trong luật.
Chí Hiếu(VnExpress)