Chặn đứng buôn lậu và gian lận thương mại

Cập nhật ngày: 29/12/2013 05:18:50

Chiều ngày 28/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trong Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và hoạt động của Ban chỉ đạo 127 Trung ương.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngay trong dịp Tết Giáp Ngọ, dứt khoát phải chặn đứng những đường dây buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại tại các tỉnh biên giới phía Bắc từ tháng 10 đến nay diễn biến phức tạp trở lại. Ngoài mặt hàng quần áo thì hàng tiêu dùng như: Rượu, bia, thuốc lá, pháo nổ, đồ chơi bạo lực… có xu hướng gia tăng trong dịp trước và trong Tết Nguyên đán, gia cầm nhập lậu tuy có giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Tại tuyến biên giới miền Trung vẫn còn tình trạng nhập lậu gỗ từ Lào; khai thác lâm sản trái phép, vận chuyển vật liệu nổ từ Lào về. Các hoạt động buôn lậu hàng điện tử, hàng gia dụng có những diễn biến phức tạp. Còn ở khu vực biên giới Tây Nam đã bước đầu kiềm chế được buôn lậu với sự đấu tranh quyết liệt của các lực lượng chuyên trách ở Trung ương tăng cường và kế hoạch cụ thể của từng địa phương.

Đáng chú ý, tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo lậu vào nội địa rất phức tạp, đối tượng manh động. Ngoài những địa bàn nóng từ trước tới nay như Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), năm nay, tình hình buôn lậu pháo nổ “bung” ra ở một số địa phương mới như huyện Văn Lãng, Tràng Định (Lạng Sơn), Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh). Từ tháng 10 đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 3.450 kg pháo nổ các loại.

Bên cạnh đó, tình hình gian lận thương mại về chất lượng có xu hướng tăng. Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, từ đầu năm đến nay lực lượng quản lý thị trường đã xử lý gần 80.000 vụ buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, tổng mức thu/phạt trên 350 tỷ đồng; lực lượng công an xử lý 12.903 vụ, số tiền thu/phạt 739 tỷ đồng; lực lượng hải quan xử lý 22.012 vụ, tổng tiền thu/phạt 556 tỷ đồng; bộ đội biên phòng xử lý 2.013 vụ, tổng số tiền gần 600 tỷ đồng; cảnh sát biển xử lý 816 vụ, tổng tiền thu phạt 145 tỷ đồng.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nếu không tăng cường phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại thì nền sản xuất trong nước sẽ suy yếu trước sự “tấn công ồ ạt” của tệ nạn trên. Để giải quyết vấn nạn này, đòi hỏi sự quyết tâm lớn của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo, thực hiện chống hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại trong cả nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu, ngay trong dịp Tết Giáp Ngọ, dứt khoát phải chặn đứng những đường dây buôn lậu, gian lận thương mại. Đối với các lực lượng chức năng, phải thực sự rèn luyện phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, kiên quyết xử lý nghiêm những người bao che, bảo kê, tiếp tay hoặc bị mua chuộc trong các lực lượng làm công tác này. Đồng thời, biểu dương và khen thưởng kịp thời những tấm gương trong lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung các lực lượng nắm chắc tình hình, địa bàn trọng điểm, những mặt hàng có nguy cơ như pháo nổ, thuốc lá, rượu, thực phẩm bẩn, xăng dầu, hoá chất, gỗ quý hiếm, vàng... trong dịp Tết Nguyên đán này.

Các cơ quan: Công an, Quốc phòng; Hải quan; Thuế tập trung điều tra, phát hiện, truy tố nghiêm các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại. Các Bộ: Y tế, NNPTNT có kế hoạch, phương án kiểm tra kiểm soát nghiêm việc nhập khẩu hoa quả, thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán, bảo đảm sức khoẻ cho nhân dân.

Các bộ và địa phương phải ban hành chỉ thị về kế hoạch phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Chủ tịch UBND các tỉnh phải trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo việc chống buôn lậu và gian lận thương mại. Bộ Công Thương cần nâng cao dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại cho các bộ, ngành và địa phương trong công tác này; và chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành sớm hoàn thiện tổ chức, bộ máy Ban chỉ đạo 127 trình Thủ tướng ban hành.

Các cơ quan truyền thông vào cuộc mạnh mẽ, lập chuyên trang, chuyên mục, tiếp cận thực tế phản ánh tạo sự đồng thuận, tham gia của nhân dân và dư luận trong xã hội đối với công cuộc phức tạp này.

Lê Sơn (Chinhphu.vn)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn