Chủ động, quyết liệt hơn nữa trong phòng chống tội phạm
Cập nhật ngày: 04/01/2014 05:08:57
Trước tình hình tội phạm về trật tự an toàn xã hội năm 2013 vẫn tăng so với năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đại tướng Trần Đại Quang,
Bộ trưởng Bộ Công an dự hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung
Sáng ngày 3/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2014 của Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP).
Toàn hệ thống chính trị vào cuộc
Trong năm 2013, Ban Chỉ đạo 138/CP đã chỉ đạo Bộ Công an (cơ quan thường trực) ban hành các kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người năm 2013 và Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
Các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP đã kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch phòng chống tội phạm và tổ chức triển khai đồng bộ; nhiều nghị quyết, thông tư liên tịch giữa Bộ Công an và các bộ, ngành đoàn thể về phối hợp phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được sơ kết.
Các địa phương đã tổ chức kiện toàn, sáp nhập các ban chỉ đạo, cơ quan thường trực phòng chống tội phạm về một đầu mối và tổ chức triển khai lồng ghép bằng những biện pháp phù hợp nên đã mang lại hiệu quả tích cực, nhất là việc chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục người phạm tội tại cộng đồng dân cư.
Trong năm 2013, lực lượng Công an các cấp trong cả nước đã điều tra, khám phá trên 44.000 vụ phạm pháp hình sự, triệt phá trên 2.600 băng nhóm, tội phạm; bắt và vận động đầu thú trên 11.000 đối tượng truy nã, trong đó 2.328 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; đã phát hiện xử lý trên 12.000 vụ phạm tội về kinh tế, hơn 400 vụ tham nhũng; phát hiện trên 13.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, xử lý hành chính hơn 10.000 vụ; phát hiện, bắt giữ trên 18.000 vụ, 28.000 đối tượng phạm tội về ma tuý...
Gỡ các khâu còn vướng
Góp ý về những hạn chế trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm năm 2013, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết một trong nguyên nhân tội phạm gia tăng có tính chất phức tạp trong khi cả lực lượng chính trị đã vào cuộc quyết liệt do các văn bản hướng dẫn xử lý còn chậm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho rằng việc hướng dẫn Bộ luật Hình sự chưa cụ thể, xử lý vi phạm hành chính, an ninh trật tự tại địa phương còn vướng mắc.
Cũng ở tình trạng chờ văn bản hướng dẫn, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho biết thực tế hiện nay, việc đưa đối tượng mắc nghiện vào các trung tâm cai nghiện đang gặp vướng mắc do luật quy định người nghiện phải được tòa án xét xử rồi mới đưa vào trung tâm cai nghiện. Nhưng do văn bản hướng dẫn chưa có nên hiện nay, số người vào các Trung tâm 06 giảm nhiều.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cũng nêu vướng mắc trong công tác phòng chống tội phạm hiện nay một phần do kinh phí, phương tiện còn hạn chế. Năm 2014, kinh phí cho hoạt động này của tỉnh giảm khoảng 38% so với chỉ tiêu.
Cùng chia sẻ khó khăn trên, đại diện tỉnh Lạng Sơn trăn trở về tình hình tội phạm buôn lậu trên địa bàn đã chuyển hoạt động theo hướng phân tán, nhỏ lẻ, lợi dụng các đường mòn. Trong khi đó, lực lượng chức năng còn mỏng.
Tại hội nghị, một số đại biểu cũng đề xuất đối với loại tội phạm ma tuý, có thể cho phép các lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng chống có giải pháp tấn công mạnh hơn.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung
Chỉ rõ nguyên nhân để có giải pháp mạnh
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 138 các địa phương trong năm 2013 đã có nhiều nỗ lực góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác phòng chống tội phạm đã rõ hơn, không coi đây là việc của riêng ngành Công an.
Song, trước thực trạng loại tội phạm trật tự an toàn xã hội năm 2013 vẫn tăng so với năm 2012 (tới 5,03%), một số vụ tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của các địa phương (trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện), vai trò của gia đình, nhà trường (trong quản lý giáo dục con em mình). Những bất cập này cũng khiến đối tượng tội phạm gia tăng...
Để làm tốt hơn công tác phòng chống tội phạm, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48 CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 37 của Quốc hội, Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIII. Đặc biệt tại 18 tỉnh địa bàn có tội phạm còn lớn (10 tỉnh có tội phạm có tổ chức; 8 tỉnh trì trệ) phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong phòng chống tội phạm.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức tăng cường công tác giáo dục, xã hội hoá công tác phòng ngừa tội phạm.
Các cơ quan tư pháp, hành pháp phối hợp chặt chẽ, kịp thời sớm đưa ra xét xử các vụ án lớn, tăng cường xét xử lưu động nhằm răn đe tội phạm. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng văn bản hướng dẫn để việc thực thi nhiệm vụ phòng chống tội phạm hiệu quả hơn.
Quỳnh Hoa (Chinhphu.vn)