Chưa đề xuất điều chỉnh giá điện

Cập nhật ngày: 02/07/2013 07:57:56

Hiện EVN hoàn thành báo cáo kiểm toán 2012, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng đang rà soát lại chi phí năm 2012, sau khi có kết quả rà soát chi phí sẽ có mức đề xuất giá điện.

Trả lời các cơ quan thông tấn báo chí về việc điều chỉnh giá điện, tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều ngày 1/7, Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Đinh Thế Phúc cho biết, điều chỉnh giá điện phải căn cứ vào nhiều yếu tố, thời điểm thích hợp, mức điều chỉnh bao nhiêu cần được tính toán để không tác động tới chỉ số CPI. Hiện EVN hoàn thành báo cáo kiểm toán 2012, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng đang rà soát lại chi phí năm 2012, sau khi có kết quả rà soát chi phí sẽ có mức đề xuất giá điện.

Theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng và Thông tư 31/2011/TT-BCT ngày 19/8/2011 của Bộ Công Thương, khi các thông số đầu vào biến động 5%, EVN được phép tăng giá điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký với Bộ Công Thương và được cơ quan này chấp thuận. Nếu sau 5 ngày làm việc Bộ Công Thương chưa có ý kiến, EVN được tự tăng giá điện thêm 5%. Gần đây nhất giá điện được điều chỉnh là vào ngày 22/12/2012, với mức tăng 5% lên bình quân 1.437 đồng mỗi kWh và khoảng cách giữa hai lần tăng giá tối thiểu là 3 tháng.

Hiện Bộ Công Thương đang hoàn chỉnh dự thảo về cơ cấu biểu giá bán điện mới, theo đó giá điện áp dụng cho các ngành sản xuất sẽ tăng thêm từ 2% - 7% (tính trên giá điện bình quân), tùy vào mức điện áp và giờ tiêu thụ điện.

Theo dự thảo, giá bán lẻ điện cho người tiêu dùng sinh hoạt có một số thay đổi, trước kia biểu giá bán lẻ 7 bậc, nay còn 6 bậc, bậc thứ 3 và thứ 4 gộp lại, do vậy giá điện sinh hoạt từ 0-100 kWh vẫn giữ nguyên; từ kWh thứ 101-200 chỉ bằng 108% giá điện bình quân (thay vì 106% cho kWh 101-150 và 134% cho kWh 151-200 như hiện nay); từ kWh 201-300 chỉ bằng 138% giá điện bình quân (thay vì 145%); giá điện cho phần kWh từ 301-400 là 154% (thay vì 155%).

Tuy nhiên, từ 401 kWh trở lên, giá điện sinh hoạt tăng đến 6% (từ 159% lên 165% giá điện bình quân). Còn giá bán lẻ điện cho kinh doanh giảm 5% (giờ bình thường), 3% (giờ thấp điểm) và 8% (giờ cao điểm) cho các cấp điện áp.

Cũng liên quan tới điện, trả lời các cơ quan báo chí về hiệu quả một năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, đại diện Cục điều tiết Điện lực cho biết, bước đầu đã đạt hiệu quả, minh bạch trong việc huy động các nguồn điện, nếu như trước đây còn có ý kiến của doanh nghiệp về việc huy động nguồn chưa minh bạch thì một năm qua không có phản hồi, bởi theo nguyên tắc giá điện nhà máy nào thấp huy động trước, nhà máy nào cao hơn trả sau và được công khai trên trang web.

Thực tế vào các thời điểm cao điểm giá huy động có lúc đã kịch trần, kết quả bước đầu đã khuyến khích cạnh tranh trong khâu phát điện, đặc biệt tạo tín hiệu thị trường để từng bước thu hút đầu tư mới trong lĩnh vực nguồn điện.

Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành, 6 tháng đầu năm, điện sản xuất và mua ngoài của Tập đoàn đạt 62.123 triệu kWh, tăng 9,52% so với cùng kỳ. Với đặc điểm 6 tháng cuối năm, ngành dầu khí sẽ cắt giảm cung cấp khí để sửa chữa, đại diện lãnh đạo EVN cho biết Tập đoàn sẽ huy động tối đa nguồn dầu để vận hành 2 nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2. Ngoài ra sẽ bổ sung thêm 900MW nguồn điện từ 2 tổ máy của nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn và Nhiệt điện Hải Phòng nhằm đáp ứng đủ nguồn điện cho nền kinh tế.

Theo chinhphu.vn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn