Đám cưới song sinh lạ lùng ở Việt Nam

Cập nhật ngày: 06/05/2013 15:43:48

Lễ thành hôn của 2 cặp song sinh vừa diễn ra tại ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành - An Giang. Nhiều cụ ông, cụ bà móm mém cho biết đây là lần đầu tiên trong đời họ tham dự một đám cưới lạ lùng như thế.

Cả ấp Vĩnh Thuận nằm ven kênh Mặc Cần Dưng thuộc xã Vĩnh Hanh náo nhiệt hẳn lên khi chứng kiến ngày vui của 2 cặp song sinh: Anh em ruột cưới chị em ruột.


Hai cặp cô dâu và chú rể giống nhau như đúc chào bàn trong tiệc cưới

Đám cưới có một không hai

Khi 2 chú rể Phan Hoàng Út và Phan Thanh Út cùng dìu cô dâu Nguyễn Thị Nhẫn và Nguyễn Thị Nhịn (cùng 24 tuổi) bước lên chiếc cầu dây giăng lắc lư để tiến về tư gia cử hành hôn lễ, mọi người đều khen: “Sao mà tụi nó đẹp đôi và vừa vặn với nhau đến thế!”.

Ngồi trong nhà ngó ra, cụ bà Phan Thị Đảnh (75 tuổi) móm mém cười: “Từ lúc cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tôi mới thấy được cảnh này lần đầu tiên. Ở đây cũng có nhiều cặp sinh đôi lắm nhưng tất cả đều dựng vợ, gả chồng riêng lẻ chứ đâu có chuyện “nhồi lại một cục” vui như vầy”.

Trong khi đó, người dân trong ấp cũng chen lấn nhau trên bờ kênh hẹp để xem cho bằng được mặt 2 cô dâu từ nơi khác đến. Những người thân dự đám cưới cũng không giấu được niềm vui khi chứng kiến trên bàn thờ tổ tiên của gia chủ có đến 2 đôi đèn được thắp sáng. Nhiều người còn chen nhau dùng điện thoại di động chụp lại khoảnh khoắc này để làm kỷ niệm. Ông Ngô Văn Ram, một vị khách đến dự lễ cưới, nói: “Đúng là hôm nay cả ấp Vĩnh Thuận này đều vui vì cái đám cưới có một không hai. Đặc biệt, khi biết các cô dâu, chú rể đều sinh cùng năm nên những người đi ăn tiệc cũng thấy niềm vui nhân lên gấp đôi”.

Nhờ sui gia mai mối

Ông Nguyễn Chí Công (cha ruột 2 cô dâu, ngụ xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú - An Giang) cho biết: Vào dịp trước Tết Nguyên đán, gia đình tổ chức cúng giỗ ông bà và có mời sui gia bên vợ của người con trai lớn đến chung vui. Ông sui này gợi ý: “Tôi thấy gia đình ông Tường (Phan Văn Tường, ngụ xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành) có đứa con trai út lớn (Thanh Út) trong cặp song sinh muốn lấy vợ. Nếu anh sui đồng ý thì tôi nói với ông Tường đem trầu cau qua dạm hỏi”.

Do thấy con gái út lớn của mình tên Nhẫn cũng đã lớn khôn nên ông Công gật đầu ưng thuận. Thế nhưng, trong ngày dạm hỏi, khi nhìn thấy bên nhà gái vẫn còn 1 người tên Nhịn giống y như chị ruột nên ông Tường ngỏ ý muốn cưới luôn cho con trai út nhỏ là Hoàng Út. Sau khi “hội ý” với các thành viên trong gia đình, ông Công đưa ra quyết định cuối cùng là gả luôn cho có chị có em.

Thế là ông Tường gọi Hoàng Út đang làm công nhân ở tận Bình Dương về cưới vợ cùng với anh trai song sinh. Ông Tường giải thích việc tổ chức đám cưới cho 2 con gái cùng 1 ngày để bên đàng trai bớt tốn kém. Vả lại, khi về sống chung trong gia đình thì chị em cũng sẽ có người thân để mà thủ thỉ.

Chia mỗi cặp mỗi nơi để tránh nhầm lẫn

Ngồi bên bờ kênh trước khi lên xe trở về quê, cụ bà Nguyễn Thị Đặng (83 tuổi, bà nội 2 cô dâu) nghẹn ngào nói: “Hai đứa cháu nội có chồng được xứng đôi thì tôi mừng lắm. Hồi trước, tôi thường mua cái gì cũng giống hệt nhau cho chúng nó. Bởi vậy, tôi chỉ đề nghị bên cháu sui đi sính lễ cũng phải có cặp, có đôi giống như vậy là đủ vui rồi chứ không cần gì cho quý giá”.

Để giải tỏa thắc mắc về việc liệu 2 cặp vợ chồng có thể nhầm lẫn nhau, chú rể Thanh Út cho biết tuy diện mạo bên ngoài giống nhau là vậy nhưng từ ánh mắt, nụ cười của mỗi người sẽ làm cho người trong cuộc dễ nhận ra nhau. Vả lại, sau ngày cưới, mỗi cặp vợ chồng sẽ chia nhau đi làm ăn mỗi nơi nên cũng tránh được sự thắc mắc hoặc hoài nghi của nhiều người. “Mấy anh thấy đó, vợ em lúc nào cũng vui vẻ tươi cười khác với tính trầm ngâm của cô em. Ngoài ra, chúng em cũng có thể phân biệt được nhau bằng những cử chỉ, hành động riêng tư khác nữa” - Thanh Út phân trần.

Theo Người lao động

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn