Dạy thêm - học thêm:
Càng quản càng biến tướng
Cập nhật ngày: 31/10/2012 05:32:47
Tình trạng dạy thêm học thêm (DTHT) tràn lan là vấn đề xã hội bức xức trong nhiều năm qua. Bộ GD-ĐT và các địa phương đã ban hành không ít các văn bản để kiểm soát, nêu quyết tâm chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, có vẻ như càng quản thì việc DTHT càng gia tăng, càng biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi.
Dạy thêm học thêm tràn lan
Vừa qua, Thanh tra Bộ GD-ĐT công bố kết quả thanh tra công tác chỉ đạo, quản lý DTHT và các khoản thu, chi đầu năm học 2012-2013 đối với giáo dục tiểu học tại Sở GD-ĐT Hà Nội và Sở GD-ĐT TPHCM đã cho thấy có rất nhiều sai phạm trong DTHT, trong đó nổi lên là việc DTHT ngoài nhà trường còn phổ biến.
Học sinh tan học và phụ huynh đón con trước cửa Trường
THPT Tenlơman tối 30-10
Tại TPHCM, kết quả thanh tra cho thấy, việc DTHT ngoài nhà trường còn phổ biến. Các lớp dạy thêm ngoài nhà trường đều vi phạm nguyên tắc về DTHT (DTHT khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; dạy cả học sinh của lớp mình, dạy cả học sinh đã học 2 buổi/ngày và dạy cả nội dung trong chương trình học). Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Hà Nội. Các trường tiểu học: Láng Thượng, Ngọc Lâm, Cổ Nhuế B, Kim Giang đều có tình trạng DTHT ngoài nhà trường các môn: Toán, tiếng Việt, tiếng Anh từ 16 giờ 30 đến 20 giờ các ngày học và thứ bảy, chủ nhật. Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai tổ chức dạy thêm một số môn: tiếng Anh, tin học, luyện chữ trái quy định...
Chưa hết, sau kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT, kết quả khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND TP Hà Nội mới đây cũng đã chỉ ra, ngoài chương trình chính khóa của Bộ GD-ĐT, tình trạng học thêm, học nâng cao, tự chọn, bồi dưỡng năng khiếu, học theo đề án... diễn ra khá phổ biến ở các trường với tỷ lệ học sinh đi học khá cao dẫn đến tình trạng loạn thu.
Theo ghi nhận của chúng tôi, DTHT không chỉ diễn ra ở 2 đô thị lớn là TPHCM, Hà Nội mà còn diễn ra ở nhiều tỉnh thành khác, với nhiều hình thức khác nhau. Tại TP Nam Định, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, việc tổ chức DTHT tại nhà của nhiều giáo viên tiểu học, THCS diễn ra khá phổ biến. Nhiều giáo viên còn tổ chức lớp DTHT tại nhà cho học sinh chuẩn bị vào lớp 1. Tại nhiều xã, huyện ở các tỉnh thành khác, giáo viên hoặc mở lớp DTHT tại nhà, hoặc tổ chức lớp DTHT ngay tại trường, dưới hình thức các lớp phụ đạo học sinh, bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi vào trường THPT, ôn luyện thi vào ĐH-CĐ, nhưng thực chất đều là DTHT…
Hệ quả học một đằng
Từ trước đến nay, hàng loạt các văn bản quản lý, chấn chỉnh DTHT đã được ngành GD-ĐT ban hành, tuy nhiên tác dụng rất ít ỏi. Thông tư 17 ban hành về quy định DTHT của Bộ GD-ĐT mới nhất đã nêu rất rõ: Không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Quy định là vậy, nhưng thực tế các trường, các giáo viên vẫn “lách” quy định khá phổ biến. Ở nhiều trường tiểu học, bị cấm DTHT nhưng lại được phép mở các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, vì vậy hiện nay, tình trạng học thêm, học nâng cao, tự chọn, bồi dưỡng năng khiếu, học theo đề án... diễn ra khá phổ biến ở các trường. Không khó để gặp các lớp dạy nhạc, dạy tiếng Anh, học toán qua mạng, học toán IQ, luyện chữ đẹp.. nhan nhản ở các trường tiểu học. Còn để DTHT các môn văn hóa thì giáo viên... tự mở lớp ở nhà.
Tại Hà Nội, càng là giáo viên trường có tiếng tăm càng dễ mở lớp DTHT tại nhà. Tại Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, rất nhiều phụ huynh cho con theo học lớp ôn luyện vào trường chuyên của một giáo viên Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. “Cô mở lớp dạy tại nhà, cho học sinh từ lớp 2. Mỗi buổi học 1 giờ, học phí 120.000 đồng/em. Mỗi ngày có rất nhiều ca”, nhiều phụ huynh cho biết.
Không phải bậc phụ huynh nào cũng thích cho con học thêm, thậm chí chính họ cũng xót xa con cái. Nhưng vì tâm lý sợ bị cô giáo “soi”, con mình thua bạn kém bè, cộng với áp lực đua vào trường chuyên, lớp chọn, nhiều bậc phụ huynh vẫn nhắm mắt cho con đi học thêm, dù biết càng học thêm nhiều thì khả năng tự học của các em càng kém.
GS Hoàng Xuân Sính đã từng thốt lên: “Tôi chưa tìm thấy gia đình nào ở Hà Nội không cho con học thêm. Nếu chịu khó làm một nghiên cứu về chi phí học thêm của học sinh, ta sẽ thấy con số đó lớn chừng nào. Rất lãng phí mà lại khổ học sinh”, bà Sính nói. Vị giáo sư này đề nghị: “Phải triệt để chấn chỉnh tình trạng DTHT hoành hành như hiện nay. Các gia đình hãy biết để dành tiền cho con học đại học, không tiêu tiền vô bổ vào việc học thêm ở các bậc học dưới làm hỏng con cái”.
Để giải bài toán DTHT, theo nhiều chuyên gia giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước phải thực sự mạnh tay, nếu chế tài đưa ra nghiêm khắc với các trường, các giáo viên sai phạm trong DTHT thì chắc chắn tình hình sẽ chuyển biến. Thế nhưng, căn nguyên sâu xa là phải khắc phục được cách dạy, cách học hiện nay.
Theo GS Hoàng Xuân Sính, trường thì dạy, còn đề thi thì do phòng giáo dục của quận, huyện ra. “Học một đằng thi một nẻo. Cứ lối dạy và ra đề kiểu này thì làm gì mà chẳng phải học thêm. Phải xem xét lại”, bà Sính nói. Một nguyên nhân sâu xa nữa trong việc DTHT, như GS Phạm Minh Hạc chỉ ra, đó là đội ngũ nhà giáo đời sống quá khó khăn, tâm tư nặng nề, vì vậy nhiều hoạt động giáo dục đã bị thương mại hóa, tiêu cực, hư đốn. Như vậy, chỉ khi thay đổi được cách dạy và học, thoát khỏi áp lực về thi cử, bảo đảm được đời sống của giáo viên.. thì may ra mới giải được tận gốc bài toán DTHT.
ĐH (Theo Phan Thảo-SGGPO)