ĐBSCL: Diện tích trồng đậu nành giảm mạnh
Cập nhật ngày: 12/04/2013 10:22:53
Chiều 11-4, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, những năm gần đây diện tích trồng đậu nành ở các tỉnh ĐBSCL giảm liên tục. Nếu như năm 2009, toàn vùng có hơn 8.932ha đậu nành được trồng ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, TP Cần Thơ…, nay giảm chỉ còn 2.967ha. Trong đó, nhiều nơi trồng đậu nành trọng điểm như huyện Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp); huyện Bình Tân, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long)… nông dân ào ạt bỏ cây đậu nành chuyển sang trồng cây khác.
Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng NN-PTNT huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết, nếu như trồng mè cho lợi nhuận khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha/vụ; khoai lang 250 triệu đồng/ha/vụ; đậu bắp lời 70 triệu đồng/ha/vụ; dưa lê lời 170 triệu đồng/ha/vụ; huệ lời 150 - 180 triệu đồng/ha; nấm rơm lời 200 - 240 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận của cây đậu nành kém xa. Vì vậy, nông dân ngày càng từ bỏ cây đậu nành.
Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cho rằng, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đậu nành rất lớn; cộng với lợi ích của trồng đậu nành là tiết kiệm được nước tưới, hạn chế phát sinh mầm bệnh, trồng đậu nành giữa 2 vụ lúa góp phần cải tạo đất rất tốt… Tuy nhiên, để nâng diện tích đậu nành, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ sản xuất, gắn liên kết 4 nhà, xây dựng vùng đậu nành diện tích lớn có sự đầu tư và bao tiêu đầu ra giữa doanh nghiệp và nông dân. Làm sao nâng được lợi nhuận cao lên thì nông dân sẽ quay lại trồng đậu nành, nhất là trồng vụ xuân hè rất phù hợp với tình hình khô hạn hiện nay.
Theo Nguyễn Thanh/SGGPO