Gói 30.000 tỉ đồng: Bị từ chối, người dân đừng hụt hẫng
Cập nhật ngày: 06/06/2013 14:54:43
Người vay tiền không nên quá vội vì có đến 3 năm để giải ngân gói này, không phải một sớm một chiều.
Gói cho vay hỗ trợ lãi suất 6%/năm với quy mô 30.000 tỷ đồng cho người mua nhà có hiệu lực từ 3/6. Sau 5 ngày triển khai gói hỗ trợ này, nhiều người đã tỏ ra thất vọng. Nhiều người dân không dễ tiếp cận gói hỗ trợ này; các ngân hàng đầu mối vẫn chưa thể triển khai thông suốt trên toàn hệ thống.
Người mua nhà phải mất nhiều thời gian hơn trước khi mang hồ sơ đến ngân hàng. (Ảnh: VnEconomy)
Vì sao việc triển khai những ngày đầu còn chậm? Vì đến ngày có hiệu lực 3/6, Ngân hàng Nhà nước mới tổ chức ký kết hợp đồng nguyên tắc về việc cho vay hỗ trợ nhà ở với các ngân hàng. Vì vậy 5 ngân hàng đầu mối không thể "việt vị" khi hợp đồng đó chưa ký. Ngân hàng Nhà nước cũng phải đợi chính sách có hiệu lực mới có thể đặt bút.
Như vậy, doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vay vốn trong gói 30.000 tỉ đồng sẽ phải tiếp tục chờ. Lý do là hiện các ngân hàng dù đã triển khai nhưng phía xác minh đối tượng được vay và danh sách nguồn cung dự án cho vay lại chưa hoàn tất.
Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, một trong 5 ngân hàng sẽ giải ngân gói vay này, thì từ đầu tuần đến nay, ngân hàng chưa giải ngân được hồ sơ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào. Theo ông Thanh, từ quy định của thông tư 11 thì cá nhân muốn vay tiền mua nhà ở xã hội phải có xác nhận từ ủy ban phường xã, nơi cư trú. Điều này khiến người mua phải mất nhiều thời gian hơn trước khi mang hồ sơ đến ngân hàng.
Ông Thanh cho rằng người đi vay cũng không nên quá hụt hẫng nếu ngân hàng từ chối giải ngân, vì điều kiện đầu tiên là người vay sẽ phải nằm trong đối tượng được vay, nhưng điều kiện đủ là phải chứng minh được thu nhập, để có thể trả nợ cho ngân hàng, thông qua việc xác minh của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, thời gian sẽ kéo dài hơn. Ông Thanh cũng cho rằng không nên quá vội vì có đến 3 năm để giải ngân gói này, không phải một sớm một chiều.
Về tài sản thế chấp, ông Thanh cho biết với các dự án có liên kết với ngân hàng, tài sản đảm bảo sẽ hình thành từ vốn vay. Nhưng có chồng chéo giữa việc các ngân hàng đã thế chấp dự án để vay vốn, sau đó người mua lại mang tài sản này đi thế chấp hay không? Theo ông Thanh, trong hiện tại, nhiều dự án đã ký cam kết 3 bên, giữa người mua, chủ đầu tư và ngân hàng.
Nếu khách hàng đã mua nhà, tài sản thế chấp và khoản nợ của chủ đầu tư cũng sẽ chuyển sang cho người mua mới, và họ sẽ tiếp tục trả nợ cho ngân hàng, ngân hàng sẽ chuyển trả cho chủ đầu tư. Trong khi đó, chủ đầu tư chỉ còn phải trả nợ cho ngân hàng đối với tài sản bị tồn đọng. Vì vậy trên thực tế, không có chuyện một tài sản được thế chấp hai lần. Còn đối với những người vay độc lập, ngân hàng sẽ xem xét tài sản thế chấp, dựa trên việc xác minh với chủ đầu tư.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết mặc dù đã có hiệu lực nhưng hiện tình hình vẫn im ắng, chưa thấy khách hàng nào liên hệ để vay gói 30.000 tỉ đồng. Một phần vì điều kiện thu nhập hiện nay vẫn là bốn triệu đồng, nên phải chờ đến 1/7/2013 mức thu nhập chịu thuế mới nâng lên 9 triệu thì đối tượng mua nhà sẽ rộng hơn.
Bên cạnh đó, nhiều người đang chờ hướng dẫn cụ thể về giấy xác nhận mức thu nhập sẽ do cơ quan đang công tác thực hiện, hay phường sẽ xác nhận người mua hiện nay chưa có nhà.
“Cũng có thể gói vay ưu đãi này kéo dài 3 năm nên người mua không vội, thay vào đó họ chờ mọi việc rõ ràng hơn”, ông Nghĩa nói.
Giống như nhà ở xã hội, việc công bố danh sách những dự án căn hộ thương mại dự kiến sẽ diễn ra trong tháng này. Việc công bố danh sách dự án có thể phải thực hiện nhiều đợt, bởi nếu dự án này phải chờ dự án khác sẽ mất thời gian./.
Theo VnEconomy