Kiểm tra đồng loạt quán bar, vũ trường trên cả nước
Cập nhật ngày: 22/11/2013 04:51:35
Cơ quan chức năng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương kiểm tra, hướng dẫn chuyên đề PCCC, tăng cường đề phòng PCCC các cơ sở.
Trao đổi với PV, đại tá, Tiến sĩ Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu trợ, cho biết, qua vụ cháy tại quán bar Fuse (Hà Nội) vừa qua, Cục sẽ có kế hoạch tăng cường kiểm tra đồng loạt các quán bar, vũ trường trên cả nước.
Hiện trường nơi xảy ra vụ cháy (Ảnh: Việt Đức)
PV: Chúng ta đã xác định nguyên nhân vụ cháy tại quán bar Fuse ở khu vực zone 9 (khu nhà xưởng của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2?
Đại tá Đoàn Việt Mạnh: Về nguyên nhân của vụ cháy, cơ quan điều tra đang tiến hành làm rõ. Hiện nay, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, do quá trình công nhân hàn sắt tu sửa công trình không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nên xảy ra sự cố đáng tiếc này.
PV: Tại sao đám cháy nhỏ như vậy lại gây chết nhiều người. Phải chăng do đặc điểm thiết kế công trình hay có tình huống đặc biệt?
Đại tá Đoàn Việt Mạnh: Thực ra, diện tích của đám cháy không lớn lắm. Nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện sửa chữa thi công có vấn đề. Đó là khu vực xảy ra cháy có các tốp công nhân làm việc theo các mảng khác nhau nên không chú ý cảnh giác. Khi đám cháy xảy ra rồi, việc phát hiện và cảnh báo muộn, nên khói độc tràn vào. Trong thời gian ngắn, nhiều người không kịp thoát nên hít phải khí độc, thiếu oxy, bị ngạt và tử vong.
Đại tá Đoàn Việt Mạnh (ảnh: Tiền phong)
PV: Phạm vi cháy không lớn, lượng khói không nhiều, nhưng công nhân thiếu kiến thức phòng cháy chữa cháy?
Đại tá Đoàn Việt Mạnh: Trong trường hợp này phải đặt vấn đề góc độ đối với các công nhân, đặc biệt là các thợ hàn. Thợ hàn là những người thực hiện công việc rất nặng nhọc, họ phải là người trong độ tuổi lao động, đủ sức khỏe, được huấn luyện nghiệp vụ về hàn cắt, phải biết sử dụng các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ. Đặc biệt, khi giải lao hay thực hiện công việc xong cũng cần có thời gian ở lại hiện trường để xem xét có thể xảy ra cháy nổ hay không. Trong quá trình hàn cắt, phải thực hiện theo quy trình, có người giám sát tổ chức thực hiện công việc này. Đối với người giám sát cũng cần có yêu cầu xem biết sử dụng các công cụ chữa cháy như bình bột, bình khí CO2, biết cảnh báo và hướng dẫn di tản khi xảy ra cháy, nổ. Trong đám cháy vừa qua, xảy ra điều đáng tiếc việc cảnh báo cho tốp công nhân làm ở phía trong cùng chậm, nên hậu quả nặng nề.
PV: Vừa qua, cháy vũ trường, quán bar xảy ra ở nhiều nơi từ Hà Nội, Hải Phòng tới TPHCM, Đà Nẵng. Vậy, Cục chỉ đạo như thế nào đối với các địa phương trong việc phòng cháy chữa cháy tại những nơi vui chơi, tụ tập đông người có nguy cơ cháy nổ cao?
Đại tá Đoàn Việt Mạnh: Đối với các địa phương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội đã có văn bản hướng dẫn các địa phương có kiểm tra theo hướng dẫn, theo các lĩnh vực, các chuyên đề phòng cháy chữa cháy, để tăng cường việc đề phòng, làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy các cơ sở.
PV: Cục có tham mưu với Bộ Công an và chính quyền các địa phương để có cuộc tổng kiểm tra, rà soát về phòng chống cháy nổ tại những khu vui chơi, tập trung đông người?
Đại tá Đoàn Việt Mạnh: Chúng tôi làm rất thường xuyên tại các khu vui chơi tập trung đông người. Đặc biệt vào dịp cuối năm, tình hình khô hanh, diễn biến phức tạp. Bộ đã có chỉ đạo các địa phương, cơ sở để tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy./.
Theo Tiền phong