Lũ bắt đầu “tấn công” các tỉnh ĐBSCL
Cập nhật ngày: 02/10/2013 09:58:18
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn đổ về kết hợp với kỳ triều cường tháng 9 âm lịch, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh với cường suất 8-10cm/ngày.
Tại các tuyến đê xung yếu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ở các tỉnh đang tăng cường công tác kiểm tra và gia cố đê bao để bảo vệ vụ lúa thu đông và vườn cây ăn trái. (ảnh tư liệu)
Trước tình hình lũ bắt đầu “tấn công” các tỉnh ĐBSCL, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Trung ương vừa có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long; Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về diễn biến và cách ứng phó với lũ.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh với cường suất 8-10cm/ngày. Cụ thể, vào lúc 7 giờ ngày 30/9/2013, mực trên sông Tiền tại Tân Châu là 4,12m (trên báo động 2 là 0,12m); trên sông Hậu, tại Châu Đốc là 3,36m (thấp hơn báo động 2 là 0,14m).
Đến ngày 4/10/2013, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 4,41m (trên báo động 2: 0,41m); trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,66m (trên báo động 2: 0,16m); tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên lên mức báo động 2, một số nơi trên mức báo động 2; sau đó còn tiếp tục lên và ở mức cao.
Để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của lũ trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh vùng lũ tập trung kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, bọng bảo vệ các khu dân cư và sản xuất; chủ động phương án bơm nước tiêu úng để bảo vệ diện tích lúa hè thu muộn, lúa thu đông, hoa màu và cây ăn trái; chỉ đạo khẩn trương thu hoạch diện tích lúa, hoa màu và thủy sản đã đến kỳ thu hoạch. Mặt khác, rà soát lại các khu vực hiện vẫn còn các hộ dân đang sinh sống trong các vùng trũng, thấp, ngoài đê bao, bờ bao có nguy cơ bị ngập lũ để có phương án chủ động phòng, tránh nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Tổ chức các điểm giữ trẻ tập trung trong vùng lũ; có kế hoạch đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trong mùa lũ; Tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ tính mạng trẻ em trong mùa lũ;
Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh vùng lũ cần triển khai các chốt cứu hộ, cứu nạn ở các vị trí xung yếu, các khu vực nước lũ chảy xiết để kiểm soát hướng dẫn giao thông sẵn sàng ứng cứu người và tài sản.
Đồng thời, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn nhấn mạnh Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ để chủ động ứng phó trong mọi tình huống và báo cáo kịp thời tình hình về Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ từ đầu năm đến nay đã có 36 trường hợp trẻ em bị chết đuối, trong đó riêng Đồng Tháp đã có 33 trường hợp. Nguyên nhân chủ yếu do cha mẹ lo lao động, chủ quan, thiếu trông coi trẻ nhỏ… Để tránh nguy cơ trẻ em bị chết đuối, hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp tổ chức hàng trăm điểm giữ trẻ miễn phí, trong đó An Giang có 70 điểm; Đồng Tháp trên 60 điểm, trung bình mỗi điểm gia động từ 20 – 40 trẻ. |
Nguyễn Hành/Dân Trí