Nuôi gia súc bằng thức ăn ngoại
Nghịch lý và đắng cay
Cập nhật ngày: 13/03/2014 08:25:25
Hiện nay, hàng triệu nông dân nước ta đang phải chăn nuôi gia súc hầu hết bằng nguồn thức ăn nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi giá trị các sản phẩm chăn nuôi lại chẳng được bao nhiêu, tỷ lệ xuất khẩu cũng rất nhỏ...
Diện tích trồng bắp còn ít hơn so với nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ảnh: Bình Đại
Chăn nuôi heo, gà bằng... USD
Suốt nhiều năm qua, mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của chúng ta đều đạt khá và chúng ta vẫn tự hào về những giá trị do xuất khẩu nông sản đem lại, nhưng một sự thật là tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi cũng cao ngất ngưởng. Hầu như tháng nào Bộ NN-PTNT cũng có báo cáo về việc kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu chế biến nông sản, vật tư nông nghiệp ở mức cao. Trong đó, cùng với các mặt hàng như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi luôn là những nhóm có khối lượng và giá trị nhập cao.
Bộ NN-PTNT cho biết, trong năm 2013, Việt Nam đã thu về 2,95 tỷ USD nhờ xuất khẩu gạo nhưng đã chi tới 3 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu. Nếu tính cả lượng nhập khẩu bắp, đậu nành và lúa mì, Việt Nam đã chi ra trên 4 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã chi 375 triệu USD để nhập các loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, chỉ riêng bắp, Việt Nam đã nhập 1,26 triệu tấn, trị giá 326 triệu USD, tăng gấp 7 lần về số lượng so với cùng kỳ năm trước. Lượng nhập khẩu từ Brazil và Thái Lan chiếm tới hơn 90%. Trong khi đó, xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2014 Việt Nam chỉ đạt 700.000 tấn, thu về 303 triệu USD, chưa bằng số tiền bỏ ra để nhập khẩu bắp cho chăn nuôi. Đã có chuyên gia than rằng, xuất khẩu gạo của chúng ta không đủ để nhập khẩu bắp về làm thức ăn cho chăn nuôi.
Vì phụ thuộc nên mua đắt
Không thể ngờ là ở một đất nước có nền nông nghiệp lâu đời và có thế mạnh như chúng ta mà từ rất nhiều năm qua, nông dân lại phải dựa vào nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện nay Việt Nam đang có nhu cầu tiêu thụ khoảng 12,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi/năm, nhưng chúng ta phải nhập tới 9 triệu tấn nguyên liệu.
Do phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nên mỗi khi thị trường thế giới có chút biến động, tỷ giá USD tăng giảm thất thường là ngành chăn nuôi vốn dĩ đã bèo bọt và cầm chừng lại chao đảo theo. Đó là chưa kể có tình trạng doanh nghiệp bắt tay làm giá trên lưng nông dân, đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên cao. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay thức ăn chăn nuôi đang chiếm tới 70% trong cơ cấu thành phần tạo nên giá của sản phẩm chăn nuôi. Theo quy luật, lẽ ra giá đầu vào tăng, nông dân phải bán thực phẩm (đầu ra) giá cao. Nhưng đã từ nhiều năm qua, quy luật là cứ được mùa lại rớt giá. Chỉ cần thêm một đợt dịch là nông dân phải bán tống bán tháo hàng, tư thương tranh thủ ép giá.
Nên bắt đầu từ chính sách
Từ thực tế xót xa, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang lãng phí nguyên liệu từ nông sản như sắn, lúa gạo - xuất khẩu với giá rẻ để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành giá cao. GS Nguyễn Lân Dũng nhiều lần bày tỏ: “Chúng ta cứ mải mê chạy theo thành tích xuất khẩu gạo, năm sau phá vỡ kỷ lục của năm trước. Năm sau cố gắng xuất khẩu nhiều hơn năm trước. Trong khi ngành nông nghiệp không tính đến chuyển lượng thực phẩm dư này sang chăn nuôi. Hiện tại Việt Nam đang phải gánh chịu giá thức ăn chăn nuôi cao nhất, nhì trên thế giới”.
Còn theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nước ngoài là hệ quả của chính sách phát triển nông nghiệp chưa đúng kéo dài 20 năm qua. Đến nay, gần 100% nguyên liệu thức ăn cho gia súc, gia cầm đều phải nhập khẩu, không có đồng cỏ để nuôi bò nên Việt Nam phải nhập khẩu sữa, bò thịt từ nước ngoài về. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho rằng nếu dùng nguồn nguyên liệu từ trồng trọt trong nước để chăn nuôi cũng chưa đủ. Vì trong cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện nay có 2 nhóm là các nguyên liệu giàu năng lượng (như bắp, đậu tương...) và nhóm thức ăn bổ sung (thường gọi là Premix). Nhóm thức ăn bổ sung Việt Nam hiện chưa sản xuất được nên bắt buộc phải nhập khẩu. Song đại diện Cục Chăn nuôi cũng nhìn nhận, nhóm thức ăn giàu năng lượng hoàn toàn có thể chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ nếu tăng sản lượng cho các cây trồng như bắp, đậu tương...
Ngành nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi, đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm đến 40% giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp phải có những kế hoạch dài hơi, căn cơ hơn về nguồn nguyên liệu, tạo những vùng nguyên liệu lớn, năng suất cao, ổn định, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài. Cùng với đó là chính sách thiết thực hơn để nông dân mở rộng chăn nuôi quy mô lớn, có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng chăn nuôi an toàn. Nếu không, con số mà ngành nông nghiệp đưa ra sẽ mãi là định hướng, thị trường chăn nuôi mãi là chiếc bánh cho các doanh nghiệp ngoại thâu tóm.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, hiện nay chúng ta mới trồng được hơn 1 triệu ha bắp với năng suất trung bình khoảng 4 tấn/ha. Diện tích trồng đậu tương khoảng 100.000ha với năng suất khoảng 1,2 tấn/ha... So với nhu cầu thực tế trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản lượng này còn quá khiêm tốn.
VĂN PHÚC/SGGPO