Phó Thủ tướng kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó bão
Cập nhật ngày: 10/11/2013 05:45:25
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý công tác sơ tán dân, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho dân.
Sau khi đi kiểm tra và chỉ đạo công tác đối phó với báo số 14 tại 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, cuối buổi chiều 9/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng.
Đến 14h chiều 9/11, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên đã tập trung sơ tán gần 70.000 hộ, với 270.000 người đi tránh bão. Toàn bộ tàu thuyền đánh bắt trong vùng nguy hiểm đã vào bờ, hiện còn 9 tàu với 94 lao động, gồm 2 tàu của Quảng Nam và 7 tàu của Quảng Ngãi đang trên đường vào bờ. Các địa phương đang khẩn trương sơ tán dân tránh bão và kêu gọi số tàu thuyền còn lại vào bờ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác
phòng chống bão tại cảng Dung Quất vào sáng 9/11
Đối phó với bão số 14 , Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thành lập 3 sở chỉ huy tiền phương tại 3 địa phương là thành phố Đà Nẵng, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và phía Bắc tỉnh Bình Định do Tư lệnh và các phó Tư lênh Quân khu trực tiếp chỉ huy. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng chỉ đạo Lữ đoàn CB 270 chuẩn bị đội cứu hộ, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh của quân khu.
Hai ngày nay, các đơn vị lực lượng vũ trang thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu đã huy động 22.500 lượt cán bộ, chiến sỹ cùng hàng trăm phương tiện tham gia chằng chống 29.000 nhà dân trường học, trạm y tế; di dời hơn 36.000 hộ dân, với 137.000 nhân khẩu ở các địa phương miền Trung đi tránh bão
Tại thành phố Đà Nẵng, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố có phương án sơ tán 22.000 hộ dân với 74.000 nhân khẩu ở vùng cách bờ biển 500m, vùng xung yếu đi tránh bão. Từ đầu giờ chiều 9/11, các chợ đã tạm ngưng hoạt động.
Thành phố Đà Nẵng cũng thành lập 3 đội cứu hộ cứu nạn gồm: đội cứu hộ đường sông, đội ứng cứu sập đổ công trình, đội ứng cứu khẩn cấp trong bão do các lực lượng quân đội, bộ đội biên phòng, công an làm nòng cốt, xử lý các tình huống xảy ra trong và sau bão .
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Bộ Tư lệnh Quân khu 5, thành phố Đà Nẵng tiếp tục theo dõi và thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng, đặc biệt chú ý đến công tác sơ tán dân, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho dân./.
+ Chiều 9/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác Chính phủ tiếp tục đi dọc các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Trị, thị sát công tác chuẩn bị phòng chống tại các khu vực có khả năng chịu thiệt hại lớn trong bão.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm hỏi, động viên người dân
chuẩn bị sơ tán tránh bão. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành việc neo đậu an toàn toàn bộ số tàu thuyền nằm trên địa phận vùng biển Quảng Trị. Các hồ thủy điện, thủy lợi, đập dâng đều đã thực hiện điều tiết xả nước, đón lũ. Quảng Trị lên kế hoạch sơ tán 20.000 hộ dân với 80.000 người, tập trung ở vùng ven biển, vùng nguy cơ, xung yếu, lũ quét,…
Tính chung cả 11 tỉnh/thành phố từ Ninh Bình đến Phú Yên đã lên kế hoạch sơ tán, di dời 336.254 hộ với 883.015 người.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới các điểm sơ tán dân cũng như vào thăm hỏi một số nhà dân có người già yếu, phụ nữ, trẻ em chuẩn bị công tác sơ tán, chằng chống nhà cửa. Phó Thủ tướng ân cần thăm hỏi, động viên và đặc biệt căn dặn tinh thần cảnh giác tối đa với cơn bão.
Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền, lãnh đạo các tỉnh huy động tối đa lực lượng giúp đỡ người dân, tuyệt đối không được chủ quan vì dù đổ bộ vào đâu, sức ảnh hưởng của bão đều rất mạnh với đường kính rộng 400-600 km.
“Bản tin cập nhật cho thấy vành mây ngoài bao trùm vẫn rất rộng, sức gió không giảm. Khi qua Philippines đã tác động tới toàn bộ nước này, thiệt hại vô cùng lớn. Vì vậy, vẫn thực hiện nghiêm, khẩn trương các chỉ đạo, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, cập nhật thông tin và bằng tất cả các phương tiện thông báo, phổ biến tới từng nhà, từng người dân về tinh thần cảnh giác, hành động cẩn trọng trước bão”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Đặc biệt, trên tuyến QL 1A, các tuyến đường miền núi, các điểm xung yếu, các đập tràn tuyệt đối đảm bảo kiểm soát giao thông, không để người dân đi lại chịu nguy hiểm trong bão. Các điều kiện điện, liên lạc đảm bảo tối ưu để phục vụ ứng phó. Bên cạnh việc chống gió giật, cũng cần lưu ý đến mưa lũ thường gây thiệt hại nặng nề không kém, nhất là tại các hồ chứa, đập tràn.
Theo Chinhphu.vn /VOV