Rực rỡ đường hoa, đường sách

Cập nhật ngày: 29/01/2014 08:24:35

Sau 11 ngày thực hiện trang trí, đường hoa Nguyễn Huệ 2014 đã chính thức khai mạc, mở cửa phục vụ công chúng vào tối 28-1 (28 tháng Chạp).


Lung linh bên tượng đài Bác. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Tham dự lễ khai mạc có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo lễ hội Tết Giáp Ngọ 2014; đại diện các đoàn ngoại giao, cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và TPHCM… Sau khi làm lễ dâng hoa lên Tượng đài Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo đã cắt băng khai mạc đường hoa trong không khí rộn ràng, háo hức được tham quan đường hoa của hàng chục ngàn người dân TP.

Dù đến 19 giờ lễ khai mạc mới chính thức bắt đầu nhưng từ 17 giờ ngày 28-1, đã có rất đông bạn trẻ, gia đình, du khách nước ngoài đổ về khu vực đường hoa Nguyễn Huệ, trục đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM) chờ xem lễ khai mạc. Nhiều người dân cho biết, do phải về quê đón tết và trở lại TPHCM sau ngày mùng 4 Tết nên họ phải tranh thủ tham quan đường hoa sớm để được chụp ảnh làm kỷ niệm.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, dù lượng khách tham quan đường hoa trong ngày khai mạc rất đông nhưng công tác an ninh trật tự vẫn được đảm bảo. Người dân tham quan đường hoa cũng rất ý thức trong việc gìn giữ hoa, cây cảnh.

Đường hoa Nguyễn Huệ phát huy nét đẹp của nghệ thuật sắp đặt hoa kiểng, đã trở thành “thương hiệu” của TPHCM trong suốt 11 năm qua và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân TP và du khách đến TPHCM trong mỗi dịp tết đến. Với chủ đề “TPHCM - Thành phố tôi yêu” đường hoa Nguyễn Huệ 2014 thể hiện được một TPHCM năng động, sáng tạo, hiện đại. Đường hoa Nguyễn Huệ 2014 được chia thành 7 phân đoạn trang trí tiểu cảnh theo từng chủ đề riêng biệt, với 3 ý nghĩa chính gồm: Hội nhập và phát triển (đoạn 1, 2, 3), Hội tụ nghĩa tình (đoạn 4, 5, 6) và Khát vọng (đoạn 7). Điểm nhấn trong trang trí đường hoa năm nay là hình ảnh 5 con ngựa kéo cỗ xe hoa đồng hồ. Hình ảnh đàn ngựa đang chạy đua vượt thời gian như thông điệp nhắn gửi chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đạt thành công cho chặng đường phía trước.

Điểm khác biệt trong trang trí đường hoa năm nay, ban tổ chức dành riêng một khu vực trưng bày các chủng loại hoa đặc sắc của Đà Lạt với nhiều tiểu cảnh: Mạch nguồn xuân, Hoa đua sắc, Xuân ấm no, Cây khô và hoa, Thử thách biến đổi khí hậu, Mầm xanh, Đất nở hoa, Nụ xuân, Giọt hoa, Cúc đại đóa... cùng các chất liệu thân thiện với môi trường như tre, nứa, gỗ... như lời nhắc nhở, hãy luôn giữ gìn môi trường sống tươi đẹp.

Ở phân đoạn “Xuân quê hương”, với sự hiện diện của cánh đồng lúa xanh ngát, những ruộng lúa chín vàng luôn là hình ảnh thân quen, gần gũi và hấp dẫn nhất đối với khách du xuân. Đây cũng chính là không gian không thể thiếu trong trang trí đường hoa mỗi năm, là một không gian thuần Việt mà rất nhiều du khách, đặc biệt là Việt kiều, khách nước ngoài rất yêu thích. Đường hoa Nguyễn Huệ 2014 tiếp tục đem đến khoảng không gian thanh bình, thân quen, đồng thời bổ sung các tiểu cảnh như lũy tre, cầu khỉ, đàn cò, những liếp hoa quen thuộc của miền Tây Nam bộ, hay những chiếc thuyền chở đầy trái cây, đồi dừa xanh và cả những giàn trồng rau sạch, mái nhà bằng cỏ tranh... Ông Chiêm Thanh Liêm, Chỉ huy trưởng thi công đường hoa Nguyễn Huệ 2014, chia sẻ, dù chỉ phục vụ công chúng trong 7 ngày nhưng để tạo dựng một không gian làng quê Việt Nam, đòi hỏi trang trí phải hoàn thiện từng chi tiết. Ban tổ chức đã phải đặt nông dân Long An làm lúa trái vụ mới có được ruộng lúa chín vàng cho đường hoa năm nay, hay hình ảnh lũy tre làng với 4 khóm tre lớn đã được bứng nguyên gốc trước đó 3 tháng, chăm sóc để tre sống và vẫn giữ được màu xanh khi mang ra trang trí… Tất cả những điều này đã góp phần tạo nên một bức tranh tổng thể sống động của làng quê Việt Nam, với một tình cảm ấm áp dành tặng cho khách du xuân trong và ngoài nước khi đến với đường hoa.

Đường hoa Nguyễn Huệ 2014 sẽ diễn ra đến 22 giờ ngày mùng 4 Tết.

Tại TPHCM trong những ngày này, có rất đông du khách nước ngoài đến tham quan, không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết của người Việt Nam, sự bài trí của đường hoa Nguyễn Huệ đã làm nhiều du khách tò mò, thích thú.

° Tối cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; cùng các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM... cũng đã đến dự lễ khai mạc đường sách TPHCM năm 2014.

Đường sách năm nay có chủ đề “TPHCM - Thành phố tôi yêu” được chia làm 4 khu vực với các chuyên đề khác nhau như: Sách và văn hóa, Sách và tri thức, Sách với chủ quyền đất nước, Sách được nhiều người ưa thích. Ngoài ra còn có khu vực riêng để triển lãm với các đề tài như: Chủ quyền biển đảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghệ thuật đờn ca tài tử… Trong đó, khu vực chủ quyền biển đảo tạo được ấn tượng mạnh với mô hình Nhà giàn DK1 cao hơn 4m. Bên cạnh đó còn có triển lãm chủ quyền biển đảo với các hình ảnh thực tế, tài liệu cổ đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước quan tâm.

Ngay trong ngày khai mạc, nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi đã diễn ra ở khu vực đường sách, nhất là khu trò chơi thiếu nhi thu hút rất nhiều em thiếu nhi tham gia. Các cuộc giao lưu, tặng chữ ký cũng hấp dẫn nhiều du khách và hai tác giả được nhiều bạn đọc quan tâm nhất là họa sĩ người Ý Valentina Giannangeli (minh họa cho tác phẩm Cánh buồm đỏ thắm) và cựu chiến binh Điện Biên năm xưa, họa sĩ Phạm Thanh Tâm với cuốn ký họa Đường 9 Khe Sanh.

Theo MỸ HẠNH - TƯỜNG VY/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn