Sẽ áp điều kiện về sản xuất, kinh doanh phân bón
Cập nhật ngày: 28/05/2013 09:08:09
Bà Nguyễn Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Hoá chất cho biết: Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về sản xuất kinh doanh phân bón trên cơ sở kế thừa những quy định phù hợp của Nghị định 113/2003 và Nghị định số 191/2007 để trình Chính phủ vào tháng 6 tới.
Phân bón được đề xuất là ngành kinh doanh có điều kiện (Ảnh: TPO)
Một thay đổi quan trọng trong quản lý phân bón là sự phân định rạch ròi về phân công trách nhiệm quản lý phân bón. Theo đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về phân bón và trực tiếp quản lý phân bón vô cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý Nhà nước về phân bón hữu cơ và phân bón khác.
Về điều kiện sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón, dự thảo Nghị định quy định các điều kiện đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón. Bộ Công Thương quy định chi tiết về điều kiện sản xuất kinh doanh phân bón vô cơ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ và phân bón khác.
Riêng đối với hoạt động sản xuất phân bón, đại diện các Bộ, ngành cơ bản thống nhất quan điểm cần có quy định về việc cấp giấy phép sản xuất phân bón. Với quy định này, các đơn vị sản xuất phân bón sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo, đồng thời sẽ loại bỏ được những đơn vị yếu kém, không đủ điều kiện, sản xuất phân bón giả, kém chất lượng.
Việc quy định chi tiết điều kiện sản xuất đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, thanh tra, phân loại, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Dự thảo Nghị định cũng quy định phân bón là sản phẩm nhóm 2, quản lý chất lượng theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay năng lực sản xuất phân bón trong nước đã đáp ứng trên 80% nhu cầu sử dụng phân vô cơ với tổng sản lượng sản xuất hàng năm đạt trên 8 triệu tấn các loại. Trong đó mặt hàng phân lân các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp với công suất 2.000.000 tấn/năm. Tương tự, đối với phân Urê tổng năng lực sản xuất trong nước năm 2013 đạt 2.200 nghìn tấn, đáp ứng 100% nhu cầu và bắt đầu xuất khẩu.
Tính đến nay duy nhất chỉ còn hai loại phân bón SA và Kali và một phần DAP vẫn phải nhập khẩu do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng được với sản lượng nhập khẩu mỗi năm 2,3 triệu tấn.
Tại Hội nghị Cục diện thị trường và định hướng quản lý Nhà nước về phân bón diễn ra hôm nay 27/5, nhiều ý kiến cho rằng: Với những thay đổi trong dự thảo trên sau khi được ban hành chắc chắn sẽ đem lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón một diện mạo mới.
Bởi theo quy định hiện nay phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện, do vậy nhiều cơ sở nhỏ lẻ vẫn tham gia thị trường trong khi sản phẩm chưa đủ điều kiện, chất lượng. Đại diện Cục quản lý thị trường cho biết, quý 1/2013 qua kiểm tra 215 vụ đã phát hiện và xử lý 82 vụ, tịch thu 1.127 gói phân bón các loại và 9 thùng phân bón, các vi phạm chủ yếu hàng kém chất lượng chiếm 30,7%.
Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn) Trương Hợp Tác cho rằng việc quản lý phân bón theo danh mục như hiện nay rất tốn kém, với trên 5.000 loại phân bón có trong danh mục gây mất thời gian khảo nghiệm, khó khăn cho việc tra cứu, trong khi không thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc, dẫn tới việc quản lý thấp. Để đưa một loại phân bón vào Danh mục cần phải thực hiện qua 13 thủ tục hành chính khác nhau. Do vậy việc quản lý phân bón theo hình thức danh mục không phù hợp với thực tế sản xuất và hội nhập quốc tế, cần loại bỏ hình thức quản lý này.
Chinhphu.vn