Số hóa công dân: Bước đột phá cải cách hành chính

Cập nhật ngày: 14/09/2012 11:31:36

Dự án Luật Hộ tịch quy định về những vấn đề liên quan đến hơn 87 triệu dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận ngày 13.9. Còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề: Đã đến lúc phải số hóa công dân? Sinh ra sổ hộ tịch cá nhân có thêm phiền phức?…


Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện số hóa công dân từ lâu

Cấp số định danh công dân

Tờ trình về dự án luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ: Đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia. Luật này là cơ sở pháp lý để công nhận và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Các sự kiện hộ tịch cơ bản của mỗi con người từ khi sinh ra đến khi chết đều phải được đăng ký, bao gồm: Khai sinh, kết hôn, ly hôn, khai tử, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính...

Các ý kiến ghi nhận điểm mới, bước đột phá cải cách thủ tục hành chính để quản lý con người của dự luật này là quy định về số định danh công dân (Điều 10): “Số định danh công dân là số được cấp một lần và duy nhất cho mỗi công dân Việt Nam sinh ra kể từ ngày luật này có hiệu lực (dự kiến ngày 1.1.2015), được ghi vào sổ bộ hộ tịch, sổ hộ tịch cá nhân và các giấy tờ khác theo quy định của Chính phủ”.

Nhiều ý kiến tán thành vì cho rằng, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay thì việc cấp số định danh công dân là cần thiết, giúp xác định, truy nguyên danh tính công dân được nhanh chóng, chính xác, bảo đảm cho việc quản lý hộ tịch, quản lý xã hội được chặt chẽ phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của các cơ quan, các ngành, các cấp. Hiện nay, ở nước ta, người dân được cấp nhiều giấy tờ, trong đó có các mã số khác nhau, như số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, số giấy phép lái xe, số thẻ bảo hiểm y tế, số sổ bảo hiểm xã hội, mã số thuế thu nhập cá nhân...

Bên cạnh đó có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm của số định danh công dân thế nào, bao gồm những nội dung gì? Có bảo đảm được quyền bí mật đời tư không?... Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, việc cấp số định danh công dân cần được làm rõ hơn để tiến tới mỗi người dân chỉ có một mã số quản lý duy nhất dùng chung cho các giấy tờ cá nhân do cơ quan nhà nước cấp, nếu không thì chỉ thêm tốn kém và gây thêm phiền hà cho người dân.

Cũng có một số ý kiến đặt vấn đề: Dự thảo luật quy định số định danh công dân chỉ được cấp cho công dân Việt Nam “sinh ra kể từ ngày luật này có hiệu lực”, nghĩa là đối với hơn 87 triệu người dân sinh ra trước đó thì không được cấp số định danh và vẫn được quản lý theo cơ chế cũ. Như vậy, quy định mới về việc cấp số định danh công dân không phát huy được tác dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý, do đó cần xây dựng một đề án khả thi trình Quốc hội vào một dịp thích hợp.
Sổ hộ tịch cá nhân

Dự luật quy định sổ hộ tịch cá nhân là sổ cấp cho công dân Việt Nam khi đăng ký khai sinh, trong đó ghi nhận các sự kiện hộ tịch của cá nhân. Nhiều ý kiến cho rằng, không cần thiết quy định cấp sổ hộ tịch cá nhân cho mỗi công dân và đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, đánh giá đầy đủ, toàn diện những bất cập hiện nay trong việc cấp các giấy tờ đăng ký hộ tịch.

Bởi lẽ, nếu chỉ với lý do đơn giản là bớt đi một số giấy tờ hộ tịch của công dân mà làm xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân thì đó là việc làm không thực sự cần thiết. Hơn nữa, việc Nhà nước cấp các giấy tờ hộ tịch quan trọng như giấy khai sinh hoặc giấy đăng ký kết hôn thể hiện sự trân trọng trước sự kiện này của công dân, do đó không thể chỉ đơn giản là việc ghi vào sổ hộ tịch cá nhân các sự kiện này. Mặt khác, việc sử dụng sổ hộ tịch cá nhân cũng có những bất cập nhất định, chẳng hạn khi cần thiết thì cá nhân chỉ cần mang một loại giấy (như giấy khai sinh hoặc đăng ký kết hôn) thì nay phải mang cả sổ hộ tịch cá nhân.

Nếu như chỉ cần chứng minh một sự kiện hộ tịch thì công dân cũng phải xuất trình tất cả các thông tin trong Sổ ảnh hưởng đến bí mật riêng tư của công dân hoặc trường hợp bị mất sổ hộ tịch cá nhân thì mất hết mọi thông tin về hộ tịch của người đó. Ngoài ra cũng cần tính đến cùng một lúc trong dự án luật vừa đặt ra việc cấp số định danh công dân vừa quy định sổ hộ tịch cá nhân, cần phải xác định rõ sự cần thiết lập sổ hộ tịch cá nhân, nếu không cần thiết thì không nên quy định.

Cũng có nhiều ý kiến tán thành việc cấp sổ hộ tịch cá nhân nhằm thay thế cho các loại giấy tờ hộ tịch đơn lẻ khác vì cho rằng hiện nay, mỗi khi phát sinh các sự kiện hộ tịch thì cá nhân được cấp một loại giấy tờ, như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn... Bên cạnh đó, còn được cấp các giấy tờ tuỳ thân khác, như CMND, sổ hộ khẩu... Tình trạng nhiều giấy tờ như vậy gây khó khăn rất nhiều cho công tác quản lý, cũng như gây phiền phức đối với người dân.

ĐH (Theo Lê Đỗ-LĐO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn