Tái cơ cấu để nông nghiệp thôi ‘vạc vào chân mình’
Cập nhật ngày: 22/08/2013 07:50:06
Nội dung đột phá nhất là mỗi địa phương phải lựa chọn ngành hàng chiến lược cho mình để phát triển nông nghiệp.
Vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp đang được bàn thảo ở nhiều cấp, ngành, nhiều địa phương. Song, vì sao phải tái cơ cấu nông nghiệp; nên bắt đầu tái cơ cấu như thế nào cho hiệu quả và nông dân được lợi gì từ việc làm này...?
Phóng viên phỏng vấn TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) quanh những câu hỏi trên.
PV: Là người đứng đầu Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN-PTNT), xin ông cho biết, tại sao hiện nay Chính phủ lại đặt vấn đề phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp?
TS Đặng Kim Sơn: Chúng ta đều biết, trong các cuộc cách mạng của dân tộc ta, nông dân là lực lượng chủ lực, nông thôn là địa bàn chiến lược. Trong thời kỳ đổi mới, nông nghiệp là mũi nhọn đột phá. Còn trong quá trình CNH-HĐH, nông nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng, nông nghiệp được ghi nhận là giá đỡ cho nền kinh tế.
Tái cơ cấu nông nghiệp để giúp nông dân "sống khỏe" với ruộng đồng
(Ảnh: Vietnamnet)
Đáng chú ý là, kể từ thời kỳ Đổi Mới năm 1986 đến nay, nông nghiệp nước ta phát triển rất tốt, tốc độ tăng trưởng vào khoảng 4,5%/năm, xóa đói giảm nghèo đạt khoảng 2%/năm, đóng góp cho GDP khoảng 20%/năm, góp vào kim ngạch xuất khẩu khoảng 24-30%/năm.
Tuy nhiên, thời gian qua, nền nông nghiệp tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên. Mặc dù đất đai của Việt Nam không nhiều, nhưng do có hệ số thủy lợi hóa cao để tăng vụ, hệ số quay vòng đất rất cao. Tỷ lệ sử dụng phân bón, thuốc hóa học trên ruộng đồng cũng rất cao. Cách làm này đã cho ra khối lượng sản phẩm lớn. Nhưng chất lượng rất thấp, giá rẻ, giá trị gia tăng không có. Tức là rất nhanh tăng trưởng nhưng không vững bền.
Đến nay, có thể nhận thấy, cách tăng trưởng như thế đã kéo quá dài, lẽ ra đã phải kết thúc từ năm 2000, chậm lắm là năm 2005-thời kỳ đỉnh của kiểu tăng trưởng đó. Từ đó đến nay, phát triển nông nghiệp của nước ta theo kiểu “vạc vào chân mình” rồi. Thời điểm từ 2005 trở lại đây, nông nghiệp đang đi xuống, tăng trưởng giảm. Vì thế, chúng ta cần thay đổi mô hình tăng trưởng. Tái cấu trúc nông nghiệp là việc làm cấp bách.
PV: Vậy theo ông, bây giờ thay đổi mô hình tăng trưởng bắt đầu từ đâu?
TS Đặng Kim Sơn: Các cụ vẫn nói “có bột mới gột nên hồ”. Muốn tăng trưởng phải có tài nguyên. Nếu quốc gia không có lao động thì chỉ còn dựa vào công nghệ và quản lý. Nhưng nếu chúng ta chỉ đổi mới công nghệ và quản lý, nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 10 đến 15 năm nữa, sau đó sẽ tắc nghẽn mãi. Vì bản thân nông nghiệp phát triển không thể “tự nắm tóc nhấc mình lên được”. Muốn phát triển bền vững và hiệu quả, nông nghiệp phải dựa vào công nghiệp và đô thị.
Tiếc là, với mô hình phát triển theo kiểu cũ đã sai khi tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp, nhưng các ngành công nghiệp đó hầu hết không gắn với nông nghiệp. Đơn cử, các ngành về máy móc, vật tư đầu vào cho nông nghiệp không phát triển, thậm chí không có. Cho nên, đầu vào của nông nghiệp chủ yếu phải nhập ngoại.
Còn đầu ra, tới 95% nông sản chế biến thô và xuất khẩu, trừ rất ít nông sản có thể chế biến, thay thế nhập khẩu (như sữa, thuốc lá, bia nhưng cũng chỉ phục vụ dân ta).
Chính vì thế, bài toán đặt ra hiện nay là cần có một chính sách mới đủ sức tạo ra động lực mới, đó phải là đột phá về quản lý và đầu tư cho nông nghiệp. Về đầu tư (tiền) thì vốn ngân sách không đủ khả năng để đáp ứng. Do vậy, nguồn đầu tư cho nông nghiệp phải huy động từ tư nhân. Vì thế, cần chính sách để thu hút được đầu tư tư nhân vào nông nghiệp.
Đồng thời, cần thay đổi thể chế tạo ra một môi trường dân chủ, sáng tạo, để phát huy tính chủ động của người dân. Việc này đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn. Vì ở đây động chạm đến câu chuyện mâu thuẫn giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở. Thẳng thắn mà nói, hạ tầng cơ sở lúc này đã đi rất xa (không kém nhiều nước trong vùng), nhưng thượng tầng kiến trúc vẫn như thời kinh tế kế hoạch. Trong đó, cơ chế cấp vốn nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp và khuyến nông… vẫn nặng tính xin - cho, bao cấp.
Trước thực tế này, đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp không thể bắt đầu từ thượng tầng kiến trúc xuống, mà phải bắt đầu từ cơ sở (có thể từ một doanh nghiệp, một hợp tác xã, một huyện hoặc từ một tỉnh). Cần sự đột phá từ cơ chế để tạo ra nguồn đầu tư.
PV: Trong tái cơ cấu nông nghiệp, chắc chắn phải thực hiện nhiều nội dung đột phá. Theo ông, nội dung nào cần quan tâm hàng đầu?
TS Đặng Kim Sơn: Nội dung đột phá nhất phải là lựa chọn ngành hàng chiến lược. Lâu nay chúng ta phát triển theo cách có cái gì thì phát triển cái đó. Còn nay phải đi theo cách làm ra những sản phẩm thị trường cần trên cơ sở chọn lựa từ tiềm năng, thế mạnh của mình.
Những thế mạnh đó, chúng tôi chia làm 3 loại: thế mạnh quốc gia (có thể xuất khẩu và cạnh tranh), thế mạnh vùng (có thể cung cấp đến các địa phương khác), thế mạnh nội tại địa phương (đặc sản, thế mạnh của từng xã, huyện trong tỉnh).
Sau khi tìm ra các thế mạnh đó, sẽ xây dựng chuỗi ngành hàng. Đơn cư như chuỗi ngành hàng lúa gạo, gồm 3 phần: - Phần vùng sản xuất chuyên canh lúa gạo (chọn ra vùng có hiệu quả cao nhất, áp dụng cánh đồng mẫu, có hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất); – Phần chế biến (làm tăng giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn để vượt qua các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu…); - Phần thương mại (có hệ thống tiếp thị để đưa sản phẩm vào thị trường với giá tốt nhất, ổn định nhất, thị trường an toàn nhất mà không qua trung gian). Các công đoạn này liên kết chặt chẽ với nhau.
PV: Hẳn là khái niệm “chuỗi ngành hàng” còn xa lạ với đại đa số nông dân. Xin ông giải thích rõ hơn về nó?
TS Đặng Kim Sơn: Hiểu một cách đơn giản nhất, chuỗi ngành hàng là một tổ chức, ở đó có một hội đồng kinh doanh (trong đó có đại diện nông dân, nhà xuất khẩu, nhà chế biến). Các đại diện tham gia chuỗi sẽ quyết định lấy tiêu chuẩn gì, thương hiệu gì cho sản phẩm. Trong chuỗi ngành hàng, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ mà người nông dân tham gia sẽ được phép dùng nó.
Cách tổ chức theo ngành hàng này chưa từng diễn ra ở Việt Nam. Đó là một tập thể, trong đó mỗi thành viên chấp hành tốt thì được giữ tham gia chuỗi lâu dài, còn vi phạm sẽ bị đào thải. Khi bị đào thải, người ra đi sẽ thiệt hơn người ở lại. Đây là hình thức rất văn minh trong kinh tế hàng hóa thế giới. Việc xây dựng được chuỗi ngành hàng ở nước ta sẽ là một sự đột phá.
PV: Muốn làm được chuỗi ngành hàng, cần những điều kiện cơ bản nào và nông dân được lợi gì khi tham gia chuỗi này, thưa ông?
TS Đặng Kim Sơn: Muốn làm được chuỗi ngành hàng, cần một hệ thống chính sách, tổ chức và đầu tư phục vụ nó. Trong chuỗi ngành hàng thì nông dân được hưởng 3 cái lợi. Đó là yên tâm về đầu vào an toàn (vật tư, phân bón đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý), đầu ra chắc chắn (không lo được mua mất giá) và được tư vấn hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, bảo hiểm... nông nghiệp.
PV: Thưa ông, khi phát triển theo mô hình ngành hàng, liệu có mâu thuẫn với chủ trương công nghiệp hóa mà Đảng, Nhà nước ta đã đặt ra?
TS Đặng Kim Sơn: Phát triển ngành hàng không mâu thuẫn với công nghiệp hóa. Nó chính là cách để công nghiệp hóa. Ở một đất nước có nền tảng và sức mạnh từ nông nghiệp thì công nghiệp hóa phải bắt đầu từ nông nghiệp. Không công nghiệp hóa được nông nghiệp thì không công nghiệp hóa được cả nền kinh tế. Tất nhiên, làm gì cũng phải có lý luận soi đường rồi từ đó áp dụng vào thực tế, nếu chỉ nói khẩu hiệu là... hỏng.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Theo VOV.VN